VÀI NÉT VỀ: THÁNH PHAOLÔ TÔNG ĐỒ
Người Công Giáo ai cũng biết Thánh Phaolô Tông Đồ và Giáo Hội kính hai Thánh Phêrô và Phaolô vào ngày 29 tháng 6, nhưng Giáo Hội còn dành một ngày trong năm kỷ niệm lễ nhớ “Thánh Phaolô Trở Lại” vào ngày 25 tháng 1.
Nhân ngày Lễ Kính nhớ Thánh Phaolô Trở Lại chúng tôi trình bày “Vài Nét” về Thánh quan thầy của Gia Đình Phaolô Hải Ngoại.
Thánh Phaolô chúng ta thường nói đến với danh xưng “Tông Đồ Hải Ngoại”, Ngài sinh trưởng tại Tarsus – thành Cilicia, ngày nay thuộc Thổ Nhĩ Kỳ trong một gia đình gốc Do Thái, cha mẹ đặt tên là Saolê để nhớ đến vị Vua đầu tiên của Do Thái. Tuổi thiếu thời ngài lên Giêrusalem theo học với một nhà thông luật nổi tiếng tên Gamaliel và Ngài chuyên nghiên cứu về luật pháp. Ngài trở nên một thành viên rất nhiệt thành của Phái Pharisieu, vì vậy Ngài đã hăng say đi bắt bớ những người theo Kitô giáo. Ngài đã ủng hộ và chứng kiến cuộc ném đá Thánh Stephanô, Ngài cũng là một công dân của La Mã.
Theo sách “Tông Đồ Công Vu” thuật lại thì Ngài đã trở lại theo Đức Kitô vào một dịp dặc biệt trên đường đi Damas bắt đạo. Ngài đã nghe tiếng Chúa Kitô gọi: "Saolê, sao ngươi đi bắt bớ ta” và ngay lúc đó Ngài bị mù hai mắt. Có sách thuật rằng: "Khi ngài nghe tiếng Chúa gọi thì Ngài đã ngã xuống đất từ trên lưng ngựa và hai mắt bị mù ngay lúc đó và sau đó Ngài lui về sống tại Tarsus 5 năm. Ngài đã được chữa lành và Ngài đã trở lại theo Đức Kitô, do đó Giáo Hội có ngày kính nhớ Thánh Phaolô trở lại... và Ngài bắt đầu đi loan truyền Lời Chúa cho mọi người, đặc biệt lưu tâm đến những người lao động, nghèo khó tại Damacus và Ngài cùng với Thánh Barnaba lên đường đi rao giảng các nơi như Antiochia, Tiểu Á, Pisida và nhiều nơi khác trong vùng Tây Á. Ngài đã thiết lập nhiều cộng đoàn giáo dân trong vùng Galatia, Syria và các đảo nhỏ trong vùng Địa Trung Hải và Hy Lạp. Ngài không chỉ là người có khả năng, kiến thức văn hóa Do Thái và Hy Lạp, nhưng Ngài còn là người đầy lòng nhiệt tâm, can đảm đi loan truyền Kinh Thánh, thiết lập nhiều Giáo Hội địa phương. Ngài đã viết 13 thư gởi đến cho các Giáo Hội địa phương do Ngài thiết lập và Ngài được giáo hội tuyên xưng là Tông Đồ Tân Ước.
Trong khi Ngài đi rao giảng Lời Chúa, Ngài cũng không quên trở về thăm thành Giêrusalem nhiều lần và Ngài đã cực lực tố cáo và chống đối thành phần Pharisieu. Trong lần thăm lại Giêrusalem lần thứ 5 vào năm 60, Ngài đã bị bắt và đưa ra tòa tại Cesaria trước toàn quyền La Mã là Felix. Ngài đã bị tuyên án 2 năm tù. Ngài đã chống án lên Hoàng Đế Cesa với lý do là công dân Lamã, sau đó Ngài được dẫn giải về thủ đô Roma vào mùa thu năm 61 trên cuộc hải trình đầy sóng gió và con tàu đã bị chìm tại Malta nhựng đã thoát hiểm. Khi Ngài đến thủ đô Roma thì được đối xử tử tế và được tuyên bố vô tội, sau đó Ngài rời thủ đô Roma tiếp tục đi rao giảng và thăm lại các nơi trong vùng Tiểu Á. Thời gian sau Ngài đến Tây Ban Nha để loan truyền Tin Mừng.
Theo lịch sử Giáo Hội ghi lại, năm 66 Ngài lại bị bắt cầm tù, đến năm 67 Ngài bị tuyên án tử hình và bị chém đầu tại ngoại thành Roma. Hiện nay đền Thánh Phaolô được xây dựng ngay trên mảnh đất Ngài bị chặt đầu vì đạo Chúa. Ngài cũng như nhiều người Kitô hữu khác đã bị xét xử và tuyên án cách bất công.
Cho đến nay Giáo Hội Công Giáo đã tuyên xưng công trạng thật lớn lao trong các cuộc hành trình truyền bá đức tin của Thánh Phaolô Tông Đồ. Theo Điển Ngữ Các Thánh của Cha Hồng Phúc ghi lại: “Thánh Phaolô là một tông đồ nhiệt thành, một tấm gương chói lọi. Ngài có một sức mạnh lớn lao chiếu sáng đạo lý và suy luận. Ngài không thích sự lu mờ, không rõ ràng. Ngài chỉ rao giảng Phúc Âm và giải thích rõ ràng, có hệ thống Tin Mừng Cứu Rỗi dựa trên tín điều “Đức Giêsu là Đấng Kitô". Ngài đem Cựu Ước đối chiếu với Tân Ước. Ngài so sánh Do Thái với Giáo Hội, các Ân Sủng của Chúa thay luật Môisê. Ngài tuyên bố Chúa Kitô là Adam mới là hình ảnh đích thực của Thiên Chúa. Đạo lý của Thánh Phaolô rất gần với giáo lý nhập thể của Gioan, nhưng Ngài diễn tả bằng hình ảnh sống động ngay từ lúc “Lời Chúa” vang vọng “Saolê, sao ngươi bắt bớ ta”. Thánh Phaolô đã diễn giải về đạo lý Nhiệm Thể Chúa Kitô qua thư gởi giáo đoàn Colosê, ngài viết: "Sự gì thiếu sót trong cuộc thương khó của Chúa Kitô thì tôi hoàn tất trong xác thịt tôi, cho Thân Thể của Ngài là Hội Thánh.
Thực vậy, Giáo Hội hoàn vũ ngày nay được mở rộng vì Thánh Phaolô tông đồ đã can đảm và mạnh mẽ tuyên xưng và loan truyền “Giáo Hội là Giáo Hội Công Giáo và Ơn Cứu Chuộc của Chúa đã mang đến cho mọi người và từ đây sẽ không có Hy Lạp hay Do Thái, Cắt bì hay không cắt bì, nô lệ hay tự do... mà chỉ có Chúa Kitô trong mọi sự và mọi người. Bởi đấy anh chị em là những người được Thiên chúa kén chọn và yêu mến, là những người lành Thánh, anh chị em hãy có lòng thương xót, nhân từ, khiêm nhường, hòa nhã và nhịn nhục” (Col: 3:11,12).
Chớ gì mỗi thành viên Gia Đình Phaolô Hải Ngoại chúng ta luôn hướng về Thánh Quan Thầy để noi gương và thực hiện những lời mời gọi của Ngài như trong thư gởi giáo đoàn Corinto, Ngài kêu gọi mọi người hãy rộng tay giúp đỡ như: "Anh chị em thật được mọi sự tốt lành dư dật về mọi phương diện, nào là có đức tin mạnh mẽ, có tài hùng biện, nào là có sự khôn ngoan, hăng hái về mọi mặt, thêm vào đó anh chị em còn có lòng quý mến chúng tôi cách riêng. Ước gì anh chị em được vinh dự này nữa là có nhiệt tâm làm việc phúc đức giúp đỡ các anh chị em thiếu thốn” ( II Cor : 8:7).
Nguyễn Văn Hưởng biên soạn