NƠI CHỐN TRỞ VỀ
Đến tu viện Abbey of Gethsemani lúc 2g30 chiều. Thị trấn Trappist, tiểu bang Kentucky đang vào thu, cây lá đã bắt đầu đổi màu, có lá cũng đã bắt đầu rơi. Tu viện là một tòa nhà màu trắng nằm giữa những đồi cỏ màu xanh, dưới những tàn cây cổ thụ là những chiếc ghế sắt màu đen cho khách viếng thăm có thể ngồi nghỉ chân và suy tưởng.
Rời khỏi bãi đậu xe khách viếng thăm đi bộ vào chính diện. Hai bên là chỗ yên nghỉ lâu đời của dân địa phương, với những tấm bia khắc tên tuổi của họ và một tấm bia thật lớn khắc tên tuổi chung của những nữ tu mà nơi yên nghỉ của họ không có tấm bia riêng.
Phía bên phải của nhà dòng là những ngôi mộ của các tu sĩ, chỉ cắm một cây Thánh Giá băèng sắt sơn trắng. Có mộ gần một trăm năm, có mộ mới vài năm, không có gì khác biệt ngoài những tên tuổi khắc trên Thánh Giá. Chỗ nào cũng có vẻ ân cần, vẻ hờ hững với hết lẽ phù du của đời sống.
Vào phòng khách, phòng nghỉ tạm trong thời gian tĩnh tâm, tất cả rất tiện nghi, rất đơn sơ, đặc biệt là vô cùng im lặng…, một thứ im lặng rất lắng đọng và rất sâu kín. Một nhà ăn với một phòng giải khát, có cà phê, có trà, có nước sôi để khách có thể tự pha cho mình một tách cà phê nóng hay trà nóng với bánh ngọt và bánh mì do các tu sĩ tự làm lấy.
Khách cũng có thể một mình kiếm một chỗ ngồi đâu đó trên đồiø vắng, dưới tàn cây hay bên bờ đá để nhìn lại mình, nhìn lại cuộc đời, để thấy mình đã phí bỏ biết bao nhiêu là ngày tháng có thể làm cho cuộc đời phong phú và ý nghĩa hơn trong đời sống dấn thân và hiến thân…
Phòng nghỉ tạm của chúng tôi nằm ở tầng lầu thứ hai gần kế nhà nguyện. Mỗi phòng có một chiếc giường đơn trải khăn màu xám, có một bàn viết với đèn để bàn, một phòng tắm nhỏ và một closet nhỏ, tất cả đều nhỏ bé nhưng gọn gàng ngăn nắp và vô cùng đơn sơ...
Phòng tôi, với cửa sổ nhìn ra ngoài ngọn đồi lớn rộng mênh mông, cỏ xanh uốn lượn nhìn xa như một tấm thảm nhung mịn màng, thỉnh thoảng có những cây cổ thụ với ba màu lá và những chiếc lá rơi rụng lẻ tẻ làm thành một bức tranh thật đẹp với thiên nhiên hài hòa. Bức tranh mà chỉ có bàn tay Thượng Đế mới vẽ nổi. Nhìn màu xanh hòa lẫn với màu vàng, màu đỏ trên cùng một thân cây, gợi cho tôi sâu sắc cảm giác về một đời người. Về thân phận con người với nhiều thế hệ. Thế hệ trẻ như lá màu xanh. Thế hệ chúng tôi như lá màu vàng, và thế hệ cha mẹ như những chiếc lá đỏ. Những chiếc lá rơi là hình ảnh của những người đã nằm xuống như ông bà và những người đi trước. Bức tranh đẹp kia phải có sự hòa hợp của các màu sắc, nếu không thì nó không đủ sức gây rung động và cuốn hút tâm hồn người nhìn ngắm. Bức tranh đó phải chăng là hình ảnh của cuộc đời mà Thượng Đế đã tạo dựng. Ngài đã cho ta nhìn thấy để mà không tiếc nuối quãng đời nào, cũng không yêu quý quãng đời nào nhiều hơn. Vì mỗi quãng đời trong chúng ta đều có cái đẹp riêng của nó... Càng đổi màu đậm, màu lá càng đẹp. Đẹp trong những điều mà mình phải trả giá, có thể có nước mắt, có niềm đau, có sự hy sinh nào đó. Đẹp trong những điều mà mình đã học ở những ngày tháng qua và càng đẹp hơn trong đời sống mà mình đã biết chia sẻ thật sự cho người, cho đời. Để đến ngày cuối của đời như những chiếc lá rơi rụng dưới thân cây kia, là những nét chấm phá đẹp nhất và ý nghĩa nhất cho bức tranh đời, mà Thượng Đế đã tạo dựng nên với tất cả sự hoàn mỹ của nó.
Nhà nguyện có tầng trên thông với tầng thứ hai, tầng chúng tôi tạm trú. Mỗi ngày có bảy lần đọc kinh, chúng tôi vào tham dự lần đọc kinh chiều vào khoảng bốn giờ. Chúng tôi đứng ở ban công nhìn xuống. Trong nhà thờ, có một cây Thánh Giá nhỏ và một hình Đức Mẹ. Không hoa, không tranh ảnh. Được chia làm ba khu vực. Khu vực trên cùng là bàn thờ để dâng Thánh Lễ, nơi có Thánh Giá. Kế là những hàng ghế cho các Cha dự lễ, giữa là bức hình Đức Mẹ và những bục gỗ dành cho các Cha khi nguyện kinh. Cuối cùng là những hàng ghế dành cho khách viếng thăm đến dự lễ. Tất cả trông rất gần gũi nhưng cũng rất cách biệt với bên ngoài. Như đời sống của các Tu Sĩ, nhà nguyện cũng vô cùng đơn sơ. Đúng như lời Kinh Thánh: “Chúa ở khắp mọi nơi...” nên tất cả những màu mè trang trí đều không cần thiết. Nhà nguyện đúng là phương tiện để đến đó tập trung lại cùng nhau cầu nguyện và suy gẫm lời Chúa, để thấy mình cần làm gì và làm được gì cho đời sống của một con người nói chung và con người Công Giáo nói riêng.
Sau giờ đọc kinh, theo lời mời chúng tôi cùng nhau đến thăm gia đình một người bạn ở gần đó. Thành phố gọi là Elizabethtown, một thành phố mang tên của Nữ Hoàng Anh. Thành phố thơ mộng và hiền hòa, nhỏ bé và xinh xắn. Không có những tòa cao ốc chọc trời, cũng không có tiếng động quá ồn ào của xe cộ, của nhà máy. Chúng tôi đến nhà của hai vợ chồng bạn. Hai anh chị đều là lương y nhưng mang tâm hồn nghệ sĩ. Anh có nghề tay trái nổi bật là soạn nhạc dân ca và nghiên cứu về dòng nhạc dân tộc mà tôi đã từng chọn cho anh cái tên là: “Dòng nhạc về nguồn”. Nhà anh ở là một ngôi nhà nằm giữa một khu rừng rộng trên tám mươi mẫu tây. Rực rỡ những màu lá dưới ánh mặt trời hoàng hôn. Trời vào thu lá đang đổi màu. Có chiếc còn xanh, có chiếc vàng, có chiếc đỏ... Chúng tôi đi thăm qua khu vườn quanh nhà, bước xào xạc trên những chiếc lá úa rơi, để đến bên dòng suối mà chủ nhà rất yêu thích và ca tụng, có phải chăng đây là lối vào thiên thai như nhà thơ Tản Đà đã diễn tả, với lá vàng rơi rắc và với những ngậm ngùi của suối tiễn oanh đưa... Khu rừng quá rộng làm sao chúng tôi đi cho hết, chỉ biết là rất nên thơ, rất yên tĩnh và biệt lập. Đó là tài sản của riêng hai anh chị và gia đình gồm có năm người con. Căn nhà rộng và trang trí rất cổ xưa, nhìn chung cũng thấy được cái trang trọng và quý phái đầy tính nghệ sĩ của chủ nhà, nhưng điều mà tôi bị cuốn hút nhất là những khung cửa sổ nhìn ra ngoài vườn, tôi có thể thả tầm mắt mình thật xa, xa đến vô tận... và ở nơi đó tâm hồn mới thật sự tĩnh được trong cái động rất động của dòng đời...
Đã từ lâu ngoại vật không còn ảnh hưởng đến dòng sông tình cảm của tôi. Tôi thật sự mệt mỏi và chán chường những thứ mà trong đời sống con người đã đổ mồ hôi và có khi đã đánh mất cả nhân tính để có nó một cách rất tạm bợ và thật vô ích trong sự hữu hạn của một đời người. Điều mà tôi cần thiết để có là một đời sống được đối diện với thiên nhiên và đối diện với chính mình để tìm cho mình một chọn lựa đúng đắn nhất trước khi trở về mái nhà xưa... Mái nhà đó mới chính là mái nhà thật sự của chính mình, mà con người hình như rất sợ và cũng rất e ngại phải nghĩ đến nó...
Buổi cơm tối ấm cúng và ân cần của gia đình bạn rồi cũng qua nhanh. Chúng tôi từ giã ra về với lời mời tha thiết một lần nữa trở lại của chủ nhà. Tự nhiên tôi thấy lòng chùng xuống, nỗi buồn tha hương bỗng đậm đà trong tâm hồn tôi...
Về đến tu viện đã hơn 10 giờ tối, mọi người đều đã ngủ, chúng tôi cố gắng giữ yên lặng tối đa. Căn phòng nhỏ ấm cúng đang chờ tôi như là một nơi chốn thân quen nhất. Tôi làm moiï thủ tục vệ sinh cần thiết rồi vào bàn viết để viết những điều đang đầy lên trong lòng. Tôi đang tạ ơn Chúa, cám ơn những người bạn đồng hành đã nghĩ đến tôi trong dịp ghé thăm nơi này năm ngoái, để chuẩn bị cho ngày này năm nay đưa tôi sang đây, cho tôi được hưởng trọn vẹn những giây phút mà tôi mong chờ nhất, những giây phút thật tĩnh lặng mới biết rõ rằng mình đang là ai và phải làm gì ý nghĩa hơn cho đời sống của mình. Những người bạn quý cũng là cơ duyên mà Chúa đã đem đến cho tôi, làm cho dòng sông tình cảm của tôi như dấy lên con sóng lạ, rất thân thiết mà cũng rất ngọt ngào. Họ đã chia sẻ với tôi biết bao nụ cười cùng với biết bao dòng lệ, những tâm hồn đẹp trong đời sống có quá nhiều cơn bão tố... Đây là ân sủng đặc biệt mà Chúa đã dành cho tôi, nên dù hoàn cảnh nào đó có phải xa cách thì mãi mãi như đóa hoa ngát hương dù hoa có tàn úa mà mùi hương vẫn còn thoảng mãi…
Tiếng chuông vào ba giờ sáng đã đánh thức tôi. Tôi rửa mặt rồi thay vội quần áo đi đến nhà nguyện, nhà nguyện vắng lặng không thấy ai ngoài hai người khách ngoại quốc. Chúng tôi đọc kinh 30 phút rồi trở lại phòng. Năm giờ rưỡi sáng là giờ đọc kinh lần thứ hai. Tôi cũng vào tham dự rồi ở lại luôn cho đến giờ Thánh Lễ buổi sáng. Thánh lễ ngắn gọn và sau đó là giờ điểm tâm. Mỗi người chúng tôi tự lấy thức ăn gồm bánh mì nướng, cheese, bơ và cháo trắng. Nước uống có cam tươi, cà phê và sữa. Ngoài ra còn có bánh mứt do các cha làm lấy. Ăn cũng trong tĩnh lặng. Mỗi người ngồi đối diện với khung cửa nhìn ra vườn, không ai nói chuyện với ai, đối thoại với Chúa trong hư vô tĩnh mịch và suy gẫm những thứ mà Chúa đã ban cho...
Sau khi ăn xong, chúng tôi đi bộ một vòng chung quanh tu viện. Đi trên những thảm cỏ còn ướt sũng sương mai và còn lạnh vì nắng chưa lên, sương mù giăng mắc trên đầu cây ngọn cỏ, trong không khí gây cho chúng tôi cái cảm giác thật thú vị, cảm giác của một sự bắt đầu đi từ khởi điểm của một ngày. Có bao giờ là muộn đâu, trong cả vạn ngày nếu có được một ngày đẹp, tâm hồn như đang mặc lấy chiếc áo mới của một ngày mới, thì ý nghĩa và may mắn biết là chừng nào.
Cám ơn Chúa, cám ơn những gì thiêng liêng mà Chúa đã ban cho cuộc đời con, những gì con đã vấp ngã và chông gai để có được những bài học quý báu dù có phải trả giá bằng thương tích và khổ đau... Luôn luôn có bàn tay Chúa ở bên cạnh để nâng con lên và xoa dịu con... Trái tim con đang cất lên lời ca tụng và biết ơn Chúa, đầy đến nghẹn ngào. Chúa ơi, con đã làm được gì để đền tạ, vẫn còn những riêng tư nào đó rất riêng tư. Xin Chúa mở rộng lòng con nữa để con biết dấn thân và tận hiến như những con người thật thánh thiện nơi đây... Con cảm thấy mình nhỏ bé và ích kỷ trước họ.
Trở về phòng, cơn buồn ngủ ở đâu kéo đến như muốn đòi lại giấc ngủ mà tôi đã nợ nần cả tối hôm qua. Cái thân xác nhỏ bé này nhiều khi cũng phiền phức và lắm chuyện. Nằm xuống giường tôi nhắm mắt ngủ ngon như chưa từng biết ngủ ngon như thế, mãi đến khi có tiếng chuông báo hiệu giờ ăn trưa tôi mới choàng tỉnh dậy, mơ màng một chút mới nhớ ra mình đang ở trong tu viện, tại một thành phố cách xa Cali tới sáu giờ đường bay. Vào rửa mặt xong chạy qua rủ cô bạn đi ăn trưa. Cô cũng vừa trả nợ giấc ngủ còn thiếu tối hôm qua như tôi, hai đứa đưa nhau xuống phòng ăn, ngang qua phòng một người bạn khác lại ngại không đánh thức cô dậy vì tôn trọng giấc ngủ chắc là còn đang rất nồng nàn của người bạn quý.
Buổi trưa có thêm món thịt gà chiên, đó là món đặc biệt chỉ dành cho khách, hai đứa vừa ăn vừa nói chuyện thật nhỏ, ăn sắp xong thì cha Carlos người Phi Luật Tân ghé bàn thăm. Cha rất cởi mở và vui vẻ hỏi thăm chúng tôi tận tình, tự nhiên ngài làm tôi nhớ lại Đức Tổng Giám Mục cũng người Phi, một người đã xả thân tranh đấu cho người tỵ nạn chúng tôi để mở con đường hy vọng trong những giờ phút tuyệt vọng nhất. Tội nghiệp cho đồng bào tôi, tội nghiệp cho trẻ thơ Việt Nam đang lạc loài tại các trại tỵ nạn với một đời sống quá cơ cực trong một không gian đầy tiếng khóc, đầy thống khổ với máu và nước mắt. Con đường tìm đến tự do, đời sống tự do, xem chừng như là không có gì ở nơi khác, cái thứ mà ở nơi khác người ta coi nó rất bình thường như không khí để thở, như cỏ cây hoa lá, lại là điều mà đồng bào tôi đã chịu biết bao gian truân, biết bao xương máu để đánh đổi nó, bao nhiêu người đã hủy mình để tranh đấu vì nó trong vô vọng. Chúa ơi, xin Chúa hãy ban cho họ niềm tin mạnh mẽ, xin cho họ biết mang Thánh Giá mà Chúa đã mang nặng trên vai, xin cho họ biết chấp nhận số phận nghiệt ngã trong thân phận vốn đã nhiều cay đắng của kiếp người. Để họ biết đối diện với nó và chịu đựng cho tròn hết con đường tạm bợ mà họ đang đi. Con biết làm gì hơn để giúp họ, để chia sẻ với họ ngoài khả năng nhỏ bé của mình, một chút thù lao thật là khiêm tốn thay cho nỗi xót xa và dòng nước mắt mà con đã thật sự không cầm lòng được trước những cảnh tang thương của đồng loại và đồng bào mình.
Chiều mùa thu xuống nhanh, sau buổi ăn tối với những món ăn nhẹ như súp, bánh mì nướng, cheese, xà lách, và bánh tráng miệng, chúng tôi đi dạo vài vòng trước tu viện. Trời trong sáng với đầy sao lấp lánh và vầng trăng lưỡi liềm. Tâm hồn thật an tĩnh, nhẹ nhàng khi nhìn thấy ngôi nhà Chúa đứng sừng sững trong khu rừng hoang vắng. Tiếng côn trùng, tiếng ếch nhái kêu vang rền rĩ tạo thành một tấu khúc buồn. Tấu khúc buồn như thân phận làm người, nhất là làm một người tỵ nạn, một kẻ tha hương, vẫn luôn luôn tự hỏi lòng mình đã làm được gì cho quê hương, cho đồng loại, cho chính mình hay chỉ là sống bám víu lấy cái tôi của mình làm chủ đích cho mọi sinh hoạt, để rồi cuối cùng chẳng làm được gì cho mình, cho người.
Giấc ngủ của buổi tối thứ hai cũng chập chờn mộng mị, giật mình tỉnh dậy vừa đúng giờ đọc kinh nửa đêm: 3g15 sáng. Sau một hồi chuông đổ, tôi vội đến nhà nguyện. Trên ban công chỉ có một người khách và một người bạn. Tôi quỳ xuống làm dấu. Buổi đọc kinh này hoàn toàn trong đêm tối, tất cả đèn đều được tắt. Tôi nhìn xuống chỗ mấy cha ngồi, chỉ lờ mờ những bóng trắng của họ và ánh sáng leo lét của một ngọn nến nhỏ. Nhà nguyện chìm trong lời cầu kinh và bóng tối. Trong bóng tối ánh sáng lời Chúa sẽ rực rỡ như ánh mặt trời và người ta đã nhìn thấy nhau trong ánh sáng mầu nhiệm đó. Tôi đứng lặng trong khung cảnh mà chưa từng được hội nhập trong cả cuộc đời. Tôi cảm thấy hạnh phúc và cám ơn Chúa đã cho tôi có cơ hội để được đến đây. Những lời kinh cầu có câu hiểu có câu không, nhưng có một điều mà tôi hiểu nhất, là tất cả những điều họ đang cầu đều là những lời răn dạy đầy yêu thương, bác ái của Chúa để tận hiến cho tha nhân. Đời sống tận hiến của họ quả thật là vĩ đại đối với một con người tầm thường như tôi. Họ làm lụng vất vả chỉ vì tha nhân. Dành cho mình những tiện nghi tối thiểu nhất để sống và để cầu nguyện cho người. Nhìn những vị Linh Mục già nua suốt một đời tận hiến trong dòng, bàn tay run run xếp từng chiếc hộp, run run bỏ từng khay chocolat vào lò nướng. Những vị Linh Mục trong căn phòng lạnh căm căm làm cheese, làm bánh mứt, nấu từng bữa ăn cho khách viếng thăm, còn bữa ăn của họ thì chỉ thuần là những món chay vô cùng đạm bạc. Tất cả đều dành cho tha nhân. Ôi tôi cũng là đứa con được nhiều hồng ân của Chúa, được quá nhiều và tôi đã làm gì cho ai, đã chia sẻ được phần nào. Tôi tự thấy lòng hổ thẹn và buồn bã, buồn vì nhiều lúc trong đời mình, nhìn thấy được ánh sáng rực rỡ ở cuối đường hầm mà sao mình vẫn mãi loanh quanh không chịu theo đường sáng để đi. Có nghĩa lý gì không một chút hư danh, một chút lợi quyền. Tôi đã biết, đã hiểu đó chỉ là phù du, chỉ càng làm nặng thêm cho hành trang đi về của mình, nhưng sao mà mình chẳng thoát ra được. Nhiều lúc mình thật khờ khạo, u mê. Chúa ơi, Chúa có thấy không những sân si của con người trong cái thân xác mà Chúa đã tạo ra nó cũng mâu thuẫn vậy đó. Từ lâu con vẫn tưởng là mình đã ngộ, đã biết tránh xa những eo xèo nhân thế, đến nơi đây rồi con mới thấy mình không là gì. Vẫn còn ngu ngơ chìm nổi trong cái phù du của đời sống. Vẫn có những ích kỷ nhỏ mọn riêng tư so với sự thánh thiện nơi đây.
Ngày cuôí cùng đi vào sâu trong khu rừng của tu viện, đến cái hồ đẹp như một bức tranh thủy mạc và những di sản của mấy cha cấm phòng tự làm lấy, có cái cả trăm năm, từ một tượng đá khắc hình Chúa, hình Đức Mẹ khắc bằng đồng đen. Tượng Thiên Thần trong thân cây, những chiếc ghế dưới những tàn cây cổ thụ bên cạnh những thung lũng hay đồi cỏ, chiếc cầu gỗ nhỏ bắc từ bờ hồ bên này đến bờ hồ bên kia. Chênh vênh như những chiếc cầu khỉ cầu tre quê hương, lắc lẻo gập gềnh. Khung cảnh vô cùng hoang vắng và tĩnh lặng, cách hẳn với những xô bồ chen chúc nơi thành thị. Ôi thiên nhiên trong lành và hiền hòa. Con người từ thuở sơ khai cũng chất phác và hồn nhiên biết mấy. Dòng đời đưa đẩy, vật chất xa hoa, danh vọng làm biến đổi bản chất, những tranh chấp, hận thù. Có bao giờ ta nhìn lại mình để rồi giật mình khi thấy mình đang ngụp lặn trong vũng lầy, múa may quay cuồng, mà kết quả cũng chỉ đưa mình đến con số không mà thôi.
Tôi đi vào nơi mà Linh Mục Thomas Merton, một vị hiền triết nổi tiếng trên thế giới, ngày xưa đã từng một mình vào đó để sống và để suy gẫm cuộc đời, rồi hoàn tất những tác phẩm vô cùng giá trị để lại cho hậu thế. Nấm mồ của ngài tôi cũng đã ghé qua. Một Thánh Giá màu trắng như tất cả các Thánh Giá khác. Thân xác không hòm, không chiếu chắc cũng đã rã tan vào lòng đất thành phân bón cho cây cỏ xanh tốt, cho hoa lá tốt tươi. Tôi ngắt một cành hoa nhỏ mà mùi thơm thật nồng nàn gần mộ và thầm cảm ơn ngài, cám ơn tất cả những người đã nằm xuống vô cùng ý nghĩa, vô cùng đẹp và rất là âm thầm khiêm tốn cho những người khác đang sống, sống rất hờ hững và vô tư không biết chuẩn bị cho một ngày thật sự sẽ đến của chính mình. Ngôi nhà của ngài từng ở là một ngôi nhà gỗ mộc mạc đơn sơ, có một phòng dâng lễ nhỏ để các ngài làm lễ khi cấm phòng ở đây. Có một bếp nhỏ để các ngài tự nấu lấy cho mình, có một chiếc ghế dựa và một chiếc giường đơn. Căn phòng không có lò sưởi, mùa đông chắc là rét lắm. Tình yêu Chúa có lẽ là hơi ấm duy nhất để sưởi ấm lòng họ. Gương chịu đựng hy sinh và khiêm tốn làm tôi rơi lệ. Tôi luôn luôn soi thấy mình hổ thẹn và bé nhỏ trước những gương sáng lặng lẽ và âm thầm này. Tôi cũng dễ dàng rơi lệ khi nhìn một cành khô, một chiếc lá úa, một chiếc ghế chơ vơ bên khu đồi vắng.
Tất cả ở đây dễ làm tôi bâng khuâng xúc động. Tôi yêu nơi này, tôi cảm thấy cần thiết nơi này để được nghỉ ngơi và suy nghiệm. Đây là căn nhà đẹp nhất trong cuộc sống vô cùng tạm bợ với thân phận làm người của tôi. Tôi đã tự mình ghi danh cho mình ngày này năm sau trở lại. Tôi nói thầm với chính tôi và chắc Chúa cũng đã nghe, như một người lữ hành, tôi phải đi nốt cuộc hành trình của mình và hành trang mà tôi đang có kể từ hôm nay là tất cả những gì ý nghĩa nhất của nơi đây. Mái nhà thân yêu của tôi, hẹn ngày mai trở về...
Lê Tín Hương