THÁNG 10: NGƯỜI CÔNG GIÁO SUY NIỆM VỀ MẸ MARIA
Theo truyền thống hàng năm, cứ đến tháng 10, mỗi người tín hữu Công Giáo lại có dịp quay trở lại suy niệm về Mẹ Maria là người Mẹ tràn đầy tình thương vì Mẹ là Mẹ Thiên Chúa, là mẹ Giáo Hội và là Mẹ của mỗi người tín hữu tin vào Đức Giêsu con Mẹ.
Theo lịch sử ơn cứu độ, Mẹ Maria là người tín hữu tiên khởi rất thánh thiện, Thiên Chúa Cha đã chọn Mẹ là Đấng đồng công cứu chuộc. Mẹ đã hiến dâng mọi sự qua Chúa Giêsu và những tác vụ tông đồ của Mẹ là chấp nhận Đức Giêsu con Thiên Chúa trong cung lòng Mẹ qua ân sủng Chúa Thánh Thần, bởi thế lịch sử Giáo Hội trải dài qua hai thiên niên kỷ, người Công Giáo chúng ta tôn kính Đức Trinh Nữ Maria và cứ đến tháng 10 thì người Công Giáo chúng ta lại có dịp hướng về Mẹ thân thiết để nguyện cầu, nhưng không chỉ trong tháng này mà trải dài trong dòng lịch sử của Giáo Hội như trong thánh vịnh Latinh ghi rằng: “Kính Chào Mẹ đầy ơn Phúc, Mẹ là Đấng từ bi và nhân hậu, Mẹ là nguồn cậy trông và hy vọng của đời con”.
Thực vậy, lịch sử Giáo Hội vào thế kỷ 11 đã ghi nhận lòng mến Đức Trinh Nữ Maria hơn bao giờ hết, người tín hữu đã đặt Ngài là nguồn cậy trông và an ủi. Trong tất cả thánh vịnh, thánh thư và lời cầu nguyện đã được sáng tác thành âm nhạc là thứ ngôn ngữ của loài người để chúc tụng sùng kính Mẹ và qua đời sống đức tin của người Công Giáo luôn luôn biểu hiện Đức Maria là mối dây liên hệ giữa loài người và Thiên Chúa vì Ngài là Đấng cưu mang con một Thiên Chúa, là Ngôi Hai Thiên Chúa mang bản thể loài người chúng ta như lời Kinh Thánh mà người giáo dân thường nghe trong ngày sinh nhật của Đức Mẹ ghi rằng: "Một trinh nữ sẽ thụ thai và sinh con trai, Người sẽ đặt tên cho con trai ấy là Emmanuel" danh từ này mang ý nghĩa là "Thiên Chúa ở cùng chúng ta".
Qua bao thế kỷ, người Công Giáo luôn luôn ghi nhận rằng Thiên Chúa vẫn tiếp tục ban nhiều quà tặng cho loài người qua việc Đức Maria can thiệp vào đời sống nhân loại như chúng ta biết: "Thiên Chúa làm cho mọi sự đều sinh lợi ích cho những ai yêu mến và tin vào Ngài, tức là cho những kẻ được người kêu gọi theo như ý Ngài định".
Trong tháng Mân Côi này cũng là dịp để người Công Giáo chúng ta suy niệm về tội lỗi, những tội lỗi đã làm chúng ta chống lại Thiên Chúa như cách sống bất công, những hành động gây nên tội ác như khủng bố, giết người vô tội như phá thai và lối suy nghĩ của thứ văn hóa sự chết, lòng căm thù, tính ghen ghét, kiêu căng, tất cả đã làm tan vỡ tâm hồn chúng ta. Chúng ta đến với Mẹ để qua lời cầu bầu của Mẹ,Thiên Chúa thánh hóa chúng ta như Đức Giêsu đã thánh hóa Bánh và Rượu để trở nên chính Mình và Máu của Ngài.
Một suy niệm khác cũng là mấu chốt giúp chúng ta củng cố niềm tin là "Mầu nhiệm vô nhiễm". Theo sách giáo lý câu 491, Giáo Hội minh định rằng: Qua dòng thời gian của 21 thế kỷ, Giáo Hội đã ý thức về Đức Maria được Thiên Chúa “đổ đầy ân sủng” như Thánh Kinh Luca đoạn 1 câu 28 ghi rằng: "Sứ thần vào nhà trinh nữ và nói “Kính chào bà đầy ơn phúc, Chúa ở cùng bà", ngay khi đó thì Ơn Cứu Chuộc được thụ thai trong lòng Mẹ Maria. Đó là điều được tuyên xưng bởi tín điều “Vô Nhiễm” do Đức Giáo Hoàng PIO thứ 9 tuyên bố năm 1854. Giáo lý câu 492 còn minh định thêm: "Hơn tất cả các tạo vật nào khác, Mẹ đã được Chúa Cha chúc phúc bằng tất cả mọi thứ phước lành thiêng liêng trên trời trong Chúa Kitô và trong Chúa Kitô đã kén chọn Mẹ để là người thánh thiện và “vô nhiễm” trước mặt Ngài trong tình yêu”. Theo các giáo phụ của truyền thống Đông Phương đã gọi Mẹ Thiên Chúa là "Đấng rất Thánh" và chúc tụng Mẹ là "người không bị một vết nhơ nào của tội lỗi".
Tuy thế, điều này vẫn còn một số người tranh luận với ý nghĩ rằng "Đức Mẹ cũng phải là người có tội vì Đức Mẹ là một con người như mọi người". Thật vậy, mọi người đã phạm tội và bị tước mất vinh quang Thiên Chúa, nhưng sách Roma câu 24 nói rằng: "Mọi người được trở nên công chính do ân huệ Thiên Chúa ban nhưng không và nhờ công trình cứu chuộc trong Đức Kitô", đó là những người tin vào Đức Giêsu Kitô như những người tín hữu chúng ta. Còn Đức Mẹ, Ngài nhận được ân sủng đặc biệt do Thiên Chúa Cha chọn để mang Đấng Cứu Chuộc đến trần gian, vì vậy Ngài không thuộc về tội nguyên thủy của loài người chúng ta như Thánh Phaolô tông đồ nhấn mạnh về ý nghĩa này rằng: "Tất cả mọi người cho đến người sau cùng trên mặt đất này đều có tội, ngoại trừ Đức Maria, Ngài không bị một tội lỗi thế tục nào nghiền nát được". Sách giáo lý câu 966 nói rằng: "Đức Trinh Nữ vô nhiễm, đã được Thiên Chúa ngừa trước khỏi mọi tì vết của tội nguyên tổ", vì thế những nỗ lực chống lại niềm tin Đức Maria Vô Nhiễm, không dựa vào lời giáo huấn của Giáo Hội đã dẫn đến một kết luận vô Thánh Kinh.
Ánh sáng của Kinh Thánh soi dẫn niềm tin của người giáo dân chúng ta và qua lời giáo huấn của Giáo Hội, khi chúng ta thực hành đức tin, chúng ta phải đi tìm kiếm thực chất chứng minh Đức Maria là nguồn mạch của Thánh thể Chúa Kitô, đây không thể là điều sai lầm. Chúng ta không thể hiểu về Đức Maria nếu không có Thánh Kinh soi sáng và Giáo Hội hướng dẫn do sự gắn bó hoàn toàn với thánh ý Chúa Cha,với công cuộc cứu chuộc của Ngôi Hai Thiên Chúa và với mọi tác động thúc đẩy của Chúa Thánh Thần, chúng ta xác tín Đức Trinh Nữ Maria là khuôn mẫu của đức tin, đức mến, nhờ Mẹ là người trỗi vượt và độc nhất của Giáo Hội, Mẹ được coi là “sự thực hiện gương mẫu là điển hình của Giáo Hội. Bởi vậy giáo lý câu 969 nói rằng: Nữ Trinh diễm phúc Maria được Giáo Hội kêu cầu dưới những danh hiệu Đấng Bênh Vực, Mẹ Phù Hộ, Mẹ Cứu Giúp, Đấng Làm Trung Gian Là Nguồn Ơn Phúc, Mẹ Là Đấng Bầu Cử v.v.....
Với niềm tin Công Giáo, trong tháng 10 chúng ta hướng về Mẹ Maria suy niệm về vai trò của Mẹ đối với Giáo Hội và tất cả nhân loại. "Mẹ đã góp một phần độc đáo vô nhị vào công cuộc của Chúa Cứu thế", như giáo lý câu 968 nói rằng: "Nhờ sự vâng lời của Mẹ, niềm tin của Mẹ, niềm cậy trông và đức ái nồng nàn của Mẹ để mang lại sự sống siêu nhiên cho các linh hồn. Bởi vậy trong lãnh vực của ân sủng, Mẹ đã trở thành mẹ của chúng ta".
Nếu không có Mẹ Maria, không có Thánh Thể Chúa Kitô, và nếu không có cái chết trên thập giá của Chúa Kitô, sẽ không có sự sống lại, không có sự cứu chuộc thế giới. Nếu không có sự giải thoát của Đức Mẹ Maria, loài người chúng ta không có niềm tin trong sạch, chúng ta sẽ không có gì cả.
Đó chính là điều chúng ta cần suy niệm trong tháng 10: "Tất cả thế hệ sẽ gọi tôi là người có phúc".
Tháng 10 năm nay còn nhắc nhở chúng ta một biến cố đau thương làm rung động lương tâm nhân loại như Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã nói trước khách hành hương vào ngày Chúa Nhật 1/10/ vừa qua rằng: "Chúng ta hãy nhớ đến ngày 11/9 trong cuộc tấn công khủng bố tại Hoa Kỳ như là một ngày buồn thảm trong lịch sử nhân loại", và Đức Thánh Cha khuyên người Công Giáo chúng ta rằng: "Tháng 10 là tháng dành cho việc lần hạt Mân Côi, tất cả người Công Giáo hãy cầu nguyện cho thế giới thoát khỏi các cuộc khủng bố tàn bạo của nhóm người quá khích". Ngài nói tiếp: “Giáo Hội Công Giáo phải tin vào những lời tiên tri và hãy kêu gọi mọi người phải có bổn phận xây dựng đường hướng hòa bình cho gia đình nhân loại”.
Nguyễn Văn Hưởng