CẢM NGHIỆM MÙA VỌNG: PHẢI CHĂNG NGƯỜI CÔNG GIÁO TRÔNG ĐỢI ĐẤNG CỨU THẾ ĐẾN
Trải qua hơn 2000 năm Giáo Hội Công Giáo đã nói lên một điều duy nhất là "chúng ta hãy sẵn sàng vì Con Người đến trong giờ phút chúng ta không biết”. Cho đến nay, nhiều người trong chúng ta nghĩ rằng:thế giới này vẫn không có điều gì xảy ra? Thế giới vẫn còn đó, đời sống vẫn tiếp tục! Trong năm 2000, nhiều người lo sợ "trái đất" này sụp đổ, nhưng thời gian vẫn tuần tự hết ngày này qua ngày kia, không có gì thay đổi! Vậy có gì phải lo lắng, phải trông đợi?
Chúng ta đã nghe và đã nhìn thấy, ngay trong xã hội chúng ta đang sống là một xã hội vật chất cuồng nhiệt, lôi cuốn chúng ta vào trạng thái bận rộn, đôi khi bực bội, nhưng trong mỗi người chúng ta không thể không nghĩ đến, ngày, giờ chúng ta thay đổi, giờ đó chúng ta phải đến, vậy khi nghĩ đến điều đó, chúng ta chờ gì? đợi gì?
Theo lịch sử Giáo Hội và trong Kinh Thánh dạy rằng: Thiên Chúa đã chuẩn bị cho thế giới Đức Giêsu Kitô đến thế gian lần thứ I. Ngay trong Cựu Ước các Tiên Tri đã tiên đoán Đấng Message đến trong thế gian, nhưng với đức tin người Công Giáo xác tín rằng "Đức Kitô đã đến" và điều tiên đoán ấy đã trở nên sự thực.
Vậy trải qua hơn 2000 năm lịch sử ơn cứu độ đã và đang thể hiện trong thế giới loài người và loài người đã nhận ra Thiên Chúa trong quá khứ và thể hiện qua Đấng Cứu Độ trần gian. Ngài đã đến thế gian và hiện diện trong thế gian, không một ai trong loài người có thể phủ nhận sự thật này. "Đấng Cứu Thế đã Giáng Sinh".
Tuy thế Giáo Hội còn dạy rằng: Đức Giêsu Kitô sẽ trở lại trong Vinh Quang lần thứ hai vào ngày sau hết. Với niềm tin Công Giáo thì điều này chắc chắn sẽ phải xảy đến, nhưng chúng ta "không biết ngày giờ nào Con Người lại đến". Chúng ta không biết trước, do đó Giáo Hội mời gọi người tín hữu: hãy sẵn sàng, và Mùa Vọng là mùa giúp chúng ta chuẩn bị sẵn sàng đón Đức Kitô đến lần thứ hai và Ngài sẽ gặp gỡ mỗi người chúng ta.
Như Thánh Phaolô đã nhắc nhở chúng ta hãy xét lại tâm hồn và dọn đường cho ngay thẳng: vì bây giờ là thời gian chúng ta phải vứt bỏ đi những gì làm đen tối tâm hồn và thay vào đó một hào quang là Đức Giêsu Kitô.
Chúa cũng đã truyền dạy chúng ta phải tỉnh thức, cả thể xác lẫn tinh thần, về thể xác tránh những trễ nãi, ươn hèn, về tinh thần tránh sự bạc nhược và nhút nhát để vứt bỏ đi những lo lắng, đau khổ và những căng thẳng nặng nề trong đời sống hằng ngày, hãy loại bỏ mọi thứ, ngoại trừ Thiên Chúa, và hãy đi tìm Ngài, đón Ngài vào trong tâm hồn chúng ta vì Ngài đến thì tính ươn hèn trễ nãi sẽ phải ra đi, tính hèn nhát, buồn phiền Ngài sẽ khống chế và Ngài sẽ ban cho chúng ta một sức mạnh vô biên, đó là sức mạnh Chúa Thánh Thần.
Mùa vọng cũng còn là một cơ hội lớn giúp chúng ta phục hồi, điều mà người Kitô hữu đang mong đợi theo lời hứa đã được khởi sự nơi Đức Kitô, được triển khai, khi Chúa Thánh Thần được cử đến và hiện nay đang hiện diện trong Hội Thánh Ngài và chính nơi Hội Thánh, đức tin dạy chúng ta biết được ý nghĩa của cuộc sống trần gian, với niềm hy vọng đạt được của cải nước trời đời sau. Giáo Hội cũng còn mong muốn chúng ta hiểu rõ điều này là Đức Kitô đã giáng thế một lần duy nhất khi Ngài nhập thể mang thân phận loài người, vì thế, ngày hôm nay bất cứ giờ phút nào Ngài cũng sẵn sàng lại đến với chúng ta, để ở trong tâm hồn chúng ta và ban ơn Thánh dồi dào cho chúng ta. Như vậy để nghênh đón Đức Kitô chúng ta phải chuẩn bị thật chu đáo lòng trí theo đúng cách thức các tổ phụ trong Cựu Ước, qua lời nói và gương lành trong đời sống.
Trong tâm tình Mùa Vọng, chúng ta hãy đánh thức sự ngủ yên của lòng trí, hãy đứng dậy vinh danh Thiên Chúa trên chốn trời cao và bình yên dưới thế cho người thiện tâm. Người Công Giáo chúng ta vẫn ghi nhớ trong Mùa Vọng năm 2001, ngày 14 tháng 12 Đức Cố Thánh Cha Gioan Phaolô II đã kêu gọi hết thẩy chúng ta hãy ăn chay và cầu nguyện cho hòa bình thế giới, và Ngài cũng đã kêu gọi các tôn giáo cùng đến thành Assisi ngày 24/1/2002 để mọi tôn giáo có dịp góp phần vào lời cầu nguyện xin Thiên Chúa làm giảm đi tình hình căng thẳng và tạo nên sự đoàn kết trong thế giới hôm nay. Trong dịp này Ngài đã trưng dẫn một câu trong sách Isaiah rằng "xin cho nước này không còn vung kiếm chống đối nước kia và cho họ không còn gây chiến tranh với nhau". Ngài nhấn mạnh: "Hòa bình là điều rất cần thiết cho nhân loại và đặc biệt cho phần Đất Thánh mà nỗi buồn và nỗi lo sợ đang hiện diện nơi đây". Đức Cố Thánh Cha cũng nhắc nhở chúng ta điều quan trọng là phải canh tân đời sống, đổi mới chính mình và một điều quan trọng khác nữa là trong Mùa Vọng người tín hữu hãy lần hạt mân côi vì nó là con đường tốt nhất giúp chúng ta gặp Đức Kitô trong ngày Giáng Sinh. Đức cố Thánh Cha đã nhắn nhủ người tín hữu chúng ta rằng: Mùa Vọng không những chỉ là nhớ lại ngày Chúa Kitô Giáng Sinh lần thứ nhất nhưng còn là ngày chuẩn bị cho mỗi người tín hữu sẵn sàng trông đợi Đức Kitô đến thế gian lần thứ hai để xét xử mọi người, theo tư tưởng này giúp chúng ta hâm nóng tinh thần trông đợi ngày Chúa Kitô lại đến.
Theo Cựu Ước, người Do Thái khát khao trông đợi Chúa đến, cho đến nay họ vẫn tin vào lời giao ước của Thiên Chúa, niềm tin đó đã ban cho họ một ý chí, một lòng cảm mến vô biên vào Đấng Công Chính ngự đến, nhưng họ vẫn chờ đợi Đấng Thiên Sai đến thế gian.
Còn chúng ta, những người tin vào Đức Kitô con Thiên Chúa đã đến trong thế gian và Ngài đã dùng Thần Khí để mặc khải và tăng thêm niềm tin cho chúng ta tin vào Đức Kitô và chỉ có Ngài là ánh sáng hướng dẫn chúng ta khám phá ra cả hai quãng thời gian trong đời sống của chúng ta: thời quá khứ thờ ơ với Chúa và trong tương lai phải quay trở về tìm Chúa, vậy Mùa Vọng này giúp chúng ta hãy chuẩn bị và hãy sẵn sàng đi tìm Chúa.
Người dân Hoa Kỳ cũng như toàn thể thế giới vẫn còn nhớ năm 2001, trước khi bước vào mùa hy vọng, mùa vui mừng đón Chúa đến, thế giới và đặc biệt là người dân Hoa Kỳ bị ảnh hưởng cú đấm khủng bố đầu tiên ngày 11/9/2001, tiếp theo cú đấm thứ hai là kinh tế suy sụp, công nhân bị sa thải hàng loạt, ngân quỹ Liên Bang cũng như Tiểu Bang bị lúng túng, đau thương không những đổ dồn trên những gia đình nạn nhân và cả những gia đình lao động và giới trung lưu cũng bị cuốn hút vào cơn cuồng phong kinh tế, nhiều gia đình đã phải chạy đến cơ quan xã hội nhờ vả vào món tiền trợ cấp, nhưng thuế khóa bị co rút lại, tiền trợ cấp xã hội cũng rút theo làm cho lớp người lao động càng lao đao thêm, tình trạng xã hội càng trở nên xấu hơn. Thêm vào đó cuộc chiến tranh Iraq vẫn còn tiếp diễn làm cho nhiều gia đình sống trong lo sợ cho những người thân còn đang tham chiến, tình hình chính trị thế giới bất ổn, do đó kinh tế cũng khó lòng vực lên nổi.
Đến nay 2005, trước khi bước vào Mùa Vọng, chúng ta đã nghe và đã nhìn thấy những biến cố kinh hoàng như vụ sóng thần trong biển Thái Bình Dương đã cuốn hút hàng trăm ngàn người ra biển và làm cho cả một vùng Châu Á kinh hoàng, tại Ấn Độ, trận cuồng phong làm tan nát cả một thành phố làm điêu đứng cho hàng ngàn gia đình mất của, mất người; trận động đất tại Pakistan cũng làm cho hàng trăm ngàn người tan nát cơ nghiệp. Tại Việt Nam, cơn bão số 7 mới đây cũng càn quét từ Bắc xuống tới Miền Trung đã làm cho hàng triệu người không còn nơi chốn trú thân. Không đâu xa, ngay trên đất nước Hoa Kỳ này, nơi chúng ta đang sống, trận cuồng phong Katrina làm tiêu tan cả một thành phố News Orlean của tiểu bang Louisana, trận cuồng phong thứ hai ập tới làm hàng triệu người dân Houston bỏ nhà cửa chạy trốn cơn bão.
Tại miền Trung Đông, chiến tranh Iraq vẫn còn tiếp diễn, hàng ngày quân khủng bố vẫn tiếp tục giết người bằng bom do những người quá cuồng tín làm điêu đứng cho nhiều quốc gia, nhiều dân tộc sống trong lo lắng, sợ sệt không biết lúc nào trúng bom, trúng đạn đây, và người lính Mỹ vẫn tiếp tục nằm xuống để bảo vệ cho tự do và hòa bình thế giới.
Trước tình trạng xã hội của thế giới trôi nổi như thế, người Công Giáo được mời gọi hãy mở rộng vòng tay bao dung, chia sẻ những gì mình có với anh em bất hạnh, như giáo lý dạy rằng: Phúc cho những ai cứu giúp người nghèo khó, và quở trách những ai đã quay mặt đi với những người cùng khổ, hãy thương xót thì sẽ được xót thương, hãy đối xử với anh em trong đức công bình là làm đẹp lòng Chúa, vì tìm Chúa trong mùa Vọng này là tìm nơi anh em nghèo khổ và những anh em đang bị đau khổ vì mất người thân thương … trong chiến tranh… trong cảnh cơ hàn.....
Công Đồng Vatican II trong hiến chế "Thân phận con người trong xã hội hôm nay" minh định rằng: Những hoàn cảnh xã hội phức tạp như thế khiến nhiều người đương thời, tinh thần bị lay động giữa hy vọng và lo âu, băn khoăn về sự xoay chuyển hiện tại của thế giới và sự thay đổi cảnh sống gắn liền với mọi biến chuyển của xã hội, của thiên tai làm cho con người luôn cảm thấy nỗi ưu tư về những xoay chuyển ấy đang thách đố và thúc bách con người tìm câu giải đáp cho một ước vọng sâu xa và đại đồng hơn, cho mọi cá nhân đang khao khát một cuộc sống đầy đủ và tự do xứng đáng với con người hơn, những nhu cầu đó không những phục vụ cho chính mình và còn cung ứng dồi dào cho mọi người và tạo ý nghĩa cho đời mình và tạo nên một thế giới tiện nghi hơn.
Nhưng, trước tình trạng thế giới phức tạp và khó khăn hiện nay, nhiều người trong chúng ta băn khoăn về những vấn đề như: Con người là gì? Đâu là ý nghĩa của đau khổ, của sự dữ, của cái chết? và con người có thể đem lại những gì cho xã hội? và có thể trông đợi gì ở xã hội? và cái gì sẽ tiếp theo cuộc sống trần gian này??? phải chăng tất cả chúng ta trông đợi đời sau?
Đối với người Công Giáo chúng ta, câu trả lời ngắn nhưng mang đầy ý nghĩa là: trong Mùa Vọng này chúng ta phải chuẩn bị sẵn sàng tâm hồn cho thanh sạch để đón Đức Giêsu Kitô lại đến với mỗi người chúng ta và hãy đặt trọng tâm vào lời Thánh Rosa thành Lima rằng: "Chúng tôi không thể bỏ rơi những người anh em nghèo khổ của chúng tôi, bởi vì trong họ, chúng tôi phục vụ Đức Giêsu Kitô", Đấng Thiên Sai đến thế gian ban phát tình yêu cho mọi người để mọi người biết thương yêu nhau.
Nguyễn Văn Hưởng