NỀN VĂN HÓA SỰ CHẾT ĐANG TẤN CÔNG NHÂN LOẠI
Trải qua năm 2000 – 2001, nhân loại đã tưởng chừng nhìn thấy sự an bình và niềm vui hy vọng, nhưng tất cả những điều ước mơ ấy đã qua đi sau vụ khủng bố tấn công vào Hoa Kỳ ngày 11/9/2001 vừa qua làm thế giới rung động và đặc biệt Hoa Kỳ một cường quốc vào bậc nhất thế giới đã lãnh chịu những hậu quả đau thương.
Đến nay bước sang năm 2002, nhiều người trong chúng ta còn nghi ngờ rằng những căng thẳng, những biến động và những đau khổ khủng khiếp của năm cũ sẽ tái diễn trong năm mới này với những cái xấu xa của thứ văn hóa sự chết.
Trong năm 2001 là năm giúp chúng ta khám phá ra rất nhiều biến động xã hội, từ việc các nhà khoa học cận đại đi tìm kiếm sự tạo dựng con người qua khoa học và kỹ thuật, họ tin rằng trí lực của con người có thể khám phá ra mọi điều huyền nhiệm và khoa học, kỹ thuật có thể tự nó mang đến cho nhân loại niềm vui và hy vọng, nhưng theo Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II nói rằng: “Đây chính là hình bóng của sự phá hoại và là thứ văn hóa sự chết, khi chúng ta nghĩ lại, chúng ta sẽ cảm thấy đau xót”.
Tiếp theo bao nhiêu biến đổi tư duy của con người về hình bóng sự chết, nào là phá thai, ngừa thai, truyền giống vô tính con người, hết thảy đều làm cho chúng ta càng ngày càng đi xa hơn với đạo lý làm người. Cho đến ngày 11/9/2002, cuộc không tặc, tấn công khủng bố tại New York và Washington DC là những biến động khủng khiếp dẫn đến cuộc chiến tranh đổ máu tại Afghnistan, phi lý hơn nữa là cuộc chiến leo thang tại vùng Đất Thánh, phần đất nơi Đức Giêsu sinh ra. Ngài đến để đem lại sự bình an, nhưng sự tranh chấp giữa Palestinian và Do Thái đã giết biết bao người vô tội vì sự cuồng tín của một nhóm người lợi dụng danh nghĩa tôn giáo, tất cả đều đóng góp vào thứ văn hóa sự chết, và tấn công đời sống của nhân loại.
Năm 2002 vừa mới tới, nhiều người trong chúng ta đang lo sợ, có thể còn nhiều thứ khủng khiếp khác đang diễn ra để đầu độc nhân loại, khiến cho đời sống xã hội không được an toàn. Bên cạnh những sự dữ và tội phạm giết người ngày 11/9 2002 ấy đến nay, không chỉ là người dân Hoa Kỳ mà tất cả thế giới đang lo lắng các cuộc tấn công khác như vi trùng học, hóa học, nguyên tử mà những kẻ khủng bố sẽ không nhắm vào cá nhân, mà họ đang hướng sự căm thù vào cả một dân tộc, hay cả thế giới mà chúng gọi là những kẽ thù nghịch, phản bội, không trung thành. Họ sẽ đưa Hoa Kỳ và thế giới vào những cơn ác mộng khủng khiếp trong tương lai. Có thể họ sẽ biến các thành phố trên toàn nước Mỹ thành chiến trường vô hình nhưng vô cùng nguy hiểm. Như vậy chánh sách khủng bố tàn bạo ấy họ đã nhân danh thần chết, thần độc ác, không phải là cuộc thánh chiến, và căn bản cuộc chiến mà Bin Laden phát động chỉ vì căm thù, vì hiềm khích vì cho rằng nền văn minh Tây phương do Hoa Kỳ dẫn đầu là mối đe dọa cho thế hệ mới của Hồi Giáo là những kẻ kế thừa lớp người Hồi giáo cuồng tín đấu tranh quá khích. Đó là lý do căn bản của Bin Laden đeo đuổi cuộc chiến tranh khủng bố hiện nay.
Dĩ nhiên, với phản ứng tự vệ và bảo vệ đất nước, Hoa Kỳ phải nhanh chóng dùng đến sức mạnh quân đội chưa từng xảy ra đối với Hoa Kỳ, để trả đũa hệ thống khủng bố do Bin Laden lãnh đạo mà căn cứ yểm trợ là Taliban –Afghanistan. Tuy thế, trong cuộc chiến chống khủng bố bằng sức mạnh quân sự này, Hoa Kỳ đã tận sức tránh đổ máu cho những người dân vô tội, nhưng cuộc chiến tranh nào lại không có đổ máu, đối với người Việt Nam chúng ta thì đây là một kinh nghiệm rất bình thường vì chúng ta đã trải qua cuộc chiến tranh từ khủng bố, du kích, đến các trận đánh quy ước, tất cả đều mang lại những đau thương, mất mát cho người dân vô tội.
Viễn tượng của cuộc chiến tranh chống khủng bố hiện nay có thể còn kéo dài nhiều ngày, tháng, thậm chí đến cả năm, vì thế trong thông điệp ngày Hòa Bình Thế Giới 1/1/2002 Đức Thánh Cha đã lên án chánh sách cực đoan cuồng tín và Ngài cũng ủng hộ quyền tự bảo vệ và chống lại chánh sách khủng bố xâm nhập vào bất cứ quốc gia nào trên thế giới và Ngài cũng minh xác rằng Hoa Kỳ có quyền tự vệ trong cuộc chiến này. Nhưng Đức Thánh Cha nói rằng: “Chiến đấu chống chánh sách khủng bố phải hoàn thành trong sự kính trọng đạo đức, luân lý và phải giới hạn những chọn lựa để chấm dứt có ý nghĩa cuộc chiến tranh này”. Như thế phải chăng Đức Thánh Cha muốn nhắn nhủ mục đích chống khủng bố phải nhắm vào người nào, nước nào thực sự phạm tội, không phải quốc gia nào, nhóm sắc tộc hay tôn giáo nào cũng đi theo chánh sách khủng bố cả ??
Khi đề cập đến cuộc chiến tranh giữa Do Thái và Palestinian kéo dài qua nhiều năm cũng mang danh nghĩa Thánh Chiến, cho đến nay cuộc chém giết, khủng bố tại vùng này mỗi ngày một leo thang, vùng đất Thánh càng ngày càng trở nên căng thẳng đưa đến mức độ nguy hiểm cho nền hòa bình thế giới, Đức Thánh Cha nói rằng: “Tại cuộc chiến này có hai khác biệt cực đoan mà mỗi bên phải tự chế để làm dịu đi tính chất căng thẳng”.
Theo nhận định của giới quan sát cho rằng điều căn bản để có thể đi đến hòa bình thì mỗi bên phải từ bỏ lòng hận thù, từ bỏ đường lối khủng bố dã man nhắm vào người dân vô tội và mỗi bên phải thành tâm ngồi xuống nói chuyện hòa bình thực sự.
Trên đây là một số những biến cố đã xảy ra trong năm 2001 và có thể còn tiếp diễn trong năm 2002 trên đất Hoa Kỳ và chung quanh thế giới do mạng lưới khủng bố của Bin Laden đang âm thầm phát động mặc dù ông ta đang là người thua trận và phải trốn tránh sự lùng bắt của Hoa Kỳ và đồng minh Tây Phương.
Để cứu vãn nền hòa bình thế giới, nhân loại đang hướng về Vatican, về Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đang kêu gọi tất cả các nhà lãnh đạo các tôn giáo cùng hướng về và tập trung tại thành Assisi vào ngày 24/1/2002 tới đây để cùng cầu nguyện cho nền hòa bình thế giới. Theo bản thăm dò mới được phổ biến thì các vị lãnh đạo tôn giáo đến tham dự ngày cầu nguyện với Giáo Hội Công Giáo là điểm son nâng cao tinh thần tôn giáo đang đi tìm kiếm sự an ủi của Thiên Chúa và khẩn nài Thiên Chúa giải thoát cảnh tượng tàn sát khủng khiếp trong xã hội hôm nay.
Theo các nhà quan sát và bình luận quốc tế nói rằng: Tại thành Assisi, Đức Thánh Cha và những cộng sự viên của Ngài sẽ cùng với các nhà lãnh đạo các tôn giáo khác sẽ nỗ lực hàn gắn và nâng cao tinh thần nhân loại trong niềm tin và hy vọng. Ngày cầu nguyện 24/1/2002 thực sự là ngày cần thiết cho nền hòa bình thế giới trong thế kỷ này, như trong thư thứ nhất của Thánh Phêrô tông đồ đoạn 3 câu 15 ghi rằng: “Đức Kitô là Đấng Thánh, chúng ta hãy tôn Người làm Chúa ngự trị trong lòng anh em, hãy luôn luôn sẵn sàng trả lời cho bất cứ ai chất vấn về niềm hy vọng của anh em”.
Trong năm này, người giáo dân Công Giáo nhìn về quá khứ để chuẩn bị canh tân và biến đổi tâm hồn là điều kiện và là dịp tốt hướng chúng ta đến gần Đức Kitô hơn và trong niềm tin thâm sâu ấy sẽ giúp chúng ta nhìn về Giáo Hội để tìm thấy niềm hy vọng trong sự quan phòng của Đức Giêsu Kitô và việc canh tân thế giới được thực hiện một cách bất khả phục hồi và thực sự bắt đầu vào ngày 24 tháng 1 năm 2002 là ngày Công Lý sẽ ngự trị, đẩy lùi thứ văn hóa sự chết ra khỏi đời sống nhân loại hôm nay.
Hồng Tâm Nguyễn Văn Hưởng