CẢM NGHIỆM PHỤC SINH: NGƯỜI TÍN HỮU PHẢI LÀM GÌ ĐỂ LÀM CHỨNG NHÂN CHO ĐỨC KITÔ TRONG THẾ GIỚI HÔM NAY
Để mừng Chúa Kitô Phục Sinh, người Công Giáo chúng ta cảm nghiệm được tình yêu Phục Sinh của Chúa tràn đầy tâm hồn, làm cho chúng ta đổi mới được cuộc sống, sẵn sàng làm chứng nhân cho Chúa Kitô trong thế giới hôm nay, nhưng làm thế nào để chứng tỏ niềm tin của chúng ta rằng Đức Giêsu Kitô đã phục sinh ?
Trong đời sống xã hội, lịch sử đã minh xác rằng rất nhiều việc luôn luôn thay đổi, và có thay đổi mới tiến bộ, nhưng có một việc lịch sử phải công nhận rằng muôn đời cũng không thể thay đổi, và không gì có thể thay đổi được, đó là niềm tin của người Công Giáo đã minh chứng rằng Đức Giêsu Kitô đã phục sinh từ cõi chết. Bằng cái chết của mình, Ngài đã chiến thắng sự chết và Ngài đã ban sự sống cho những người chết. Đó là một biến cố lịch sử và siêu việt như sách giáo lý câu 639 nói rằng: “Mầu nhiệm phục sinh của Chúa Kitô là một biến cố hiện thực, đã có những biểu hiện được lịch sử công nhận và cũng như những sự kiện được chứng tỏ trong cuốn Tân Ước ngay quảng thời gian năm 56, Thánh Phaolô đã có thể viết cho giáo hữu Côrintô rằng: "Vậy tôi đã truyền đạt cho anh chị em những gì mà bản thân tôi đã nhận được, đó là Chúa Kitô đã chết vì tội lỗi chúng ta theo lời Thánh Kinh. Ngài đã được mai táng trong mồ. Ngài đã sống lại ngày thứ ba theo lời Thánh Kinh. Ngài đã hiện ra với Cêpha, rồi với 11 ông tông đồ”. Đây Thánh tông đồ Phaolô nói đến truyền thống sống động về Phục Sinh của Chúa mà ông đã học biết sau khi trở lại tại cửa thành Damas”.
Những biến cố lịch sử sống động đầy ắp những sự kiện phục sinh được ghi trong Thánh Kinh, từ sự kiện dấu hiệu của ngôi mộ trống, do tính hiện thực của các lần Chúa Kitô sau khi phục sinh đã gặp gỡ các tông đồ cho đến việc dấn thân của các tông đồ, nhất là Thánh Phêrô vào việc xây dựng một kỷ nguyên mới được khởi đầu từ buổi sáng Phục Sinh, và biến cố phục sinh đã là một sức mạnh đập tan một khả năng không ai có thể đạp đổ được đó là sự chết, sự tội lỗi của nhân loại. Chỉ có Đức Kitô là người duy nhất chiến thắng sự chết và tội lỗi.
Đây là niềm tin, người Công Giáo chúng ta tin và là chứng nhân cho những điều này như Chúa Giêsu đã phán cùng các Tông Đồ xưa rằng: "Các con là chứng nhân đối với tất cả những việc ấy" (LK 24:48). Ngài đã đặt lên các tông đồ trách nhiệm phải chia sẻ với những người khác về những việc họ đã thấy và đã nghe được từ Lời Thiên Chúa phán ra, và đó cũng là nhiệm vụ của người tín hữu bây giờ và cho đến muôn đời không thay đổi là loan truyền tin mừng Phục Sinh dến mọi người.
Đối với người tín hữu Công Giáo, chúng ta phải làm gì để làm chứng nhân cho Đức Giêsu Kitô Phục Sinh. Theo kinh nghiệm trong đời sống đức tin, tùy theo ơn gọi của mỗi người, mỗi trường hợp của đời sống cá nhân trong xã hội đều là những môi trường để chúng ta có thể làm chứng cho Đức Kitô Phục Sinh như đời sống chứng nhân của các tu sĩ, đời sống chứng nhân của gia đình, vợ chồng, con cái, hàng xóm, bạn hữu, trong đời sống hằng ngày đều là những cơ hội giúp chúng ta khám phá ra sự thật, chân lý, niềm tin và tạo cho người tín hữu chúng ta cơ hội biểu tỏ niềm tin vào Đức Kitô Phục Sinh là sản phẩm tinh thần vĩ đại nhất của Giáo Hội trong thời đại hôm nay như Thánh Công Đồng Vatican II (1962- 1965) xác nhận rằng: “Tất cả những chứng tích trong đời sống của người tín hữu Công Giáo đều được tạo nên bởi niềm tin của họ là Đức Giêsu Kitô đã chết và sống lại". Như vậy Thánh Công Đồng Vatican II đã minh xác quan điểm qua lời rao giảng của các tông đồ cho những người chưa có niềm tin để hướng họ về chân lý sự thật Đức Kitô đã phục sinh và ngài không chết nữa, hoặc những người có đức tin thì sẽ tăng thêm niềm tin khuyến khích họ tiến tới đời sống đức tin vững vàng hơn, nồng nhiệt hơn như lời Đức Thánh Cha Joan Phaolô II dạy chúng ta rằng: “Đức Kitô Phục Sinh là tâm điểm của niềm tin Công Giáo. Nếu Chúa Kitô không sống lại thì việc rao giảng của chúng tôi là vô ích, và đức tin của chúng ta cũng vô ích”.
Hơn một thế kỷ trước đây, Đức Hồng Y John Henry Newman đã lưu ý người tín hữu về chân lý niềm tin của người Công Giáo. Trong một bài thuyết giảng Ngài đã đưa ra 3 cách sống của người Công Giáo là không khiếm nhã, không phô trương và không phỉnh gạt. 3 cách sống đơn giản này người tín hữu phải làm chứng trong sự nhẫn nhục, khôn ngoan đồng thời trong niềm tin tưởng vững vàng, ít nữa là về tình bác ái và lòng từ thiện của Chúa Kitô, như thế người tín hữu đã dọn đường cho Chúa và làm chứng cho Ngài hiện diện nơi trần gian.
Đức Hồng Y cũng nói đến sự bất trung của một nhóm người mà Giáo Hội đang chung sống thường thay đổi tận gốc vì nhiều lý do khác nhau đến nỗi xuất hiện những tà thuyết, dị giáo không thích ứng với luật lệ Giáo Hội. Họ phô trương là người Công Giáo bằng lời nói ồn ào luôn luôn biểu tỏ niềm tin bằng lời nói và những hành động mang tính trình diễn, nhưng họ lại gọi đó là đường lối "truyền giáo". Đức Hồng Y đã thẳng thắn nói rằng: "Nếu họ thực sự muốn theo Giáo Hội thì họ hãy đến cầu nguyện vào những ngày Chúa Nhật và những ngày Thánh, hơn thế nữa là mỗi ngày họ hãy làm vinh danh Lời Chúa trong Thánh Kinh, họ phải tuân phục và thích nghi với tinh thần và nghi thức cầu nguyện, họ phải giữ những chương trình cầu nguyện của tôn giáo trong cộng đồng tôn giáo, họ không được đẩy ra ngoài những quan điểm của tôn giáo.
Đức Hồng Y cũng nhấn mạnh, người Kitô hữu muốn làm chứng nhân về Đức Kitô trong đời sống nhân loại thì phải "phô trương Đức Kitô" như Thánh Gioan tiền hô nói rằng: "Tôi phải bé đi để Ngài lớn lên". Đức Hồng Y cũng đã chứng minh tinh thần của những tín hữu trong những thế kỷ trước là "tất cả ý nghĩa chính trong đời sống đức tin người tín hữu đã được đóng ấn như là giá trị biểu lộ của lòng tin".
Trong thời đại chúng ta, người tín hữu cũng phải nói lên tinh thần ấy. Nếu chúng ta muốn đưa Đức Kitô vào tận cùng thế giới, người tín hữu phải chứng tỏ có được một đời sống mới được phục sinh qua mầu nhiệm phục sinh của Đức Kitô, phải can đảm nhận lãnh trách nhiệm và phải có tinh thần yêu thương, tha thứ, bỏ đi những bực bội, lòng ích kỷ để vượt thắng những khó khăn, chỉ có như thế người tín hữu chúng ta mới làm chứng nhân cho Đức Kitô trong xã hội hôm nay. Trong Thánh Công Đồng Vatican II nói về nguyên tắc truyền giáo rằng: "Nếu họ chưa có thể làm chứng đầy đủ về một đức tin duy nhất thì ít là họ phải sống trong niềm quý trọng và yêu thương lẫn nhau".
Đức Hồng Y Newman nêu lên một vấn đề rằng: "Làm thế nào để người tín hữu hoàn thành được nhiệm vụ truyền giáo". Ngài nói: "Người tín hữu phải có lời nói dịu dàng, khoan dung và nhân ái, phải có những hành động bác ái, giúp đỡ người khác mà không kiêu ngạo, hoặc nghiêm khắc để chúng ta có thể đạt được kết quả mong muốn". Trong nguyên tắc truyền giáo, Thánh Công Đồng Vatican II cũng xác nhận rằng: Chính các tông đồ trong niềm hy vọng cũng đã đi theo đường lối đó, tuy Giáo Hội gặp phải nhiều nghịch cảnh và đau khổ để hoàn tất những gì còn thiếu sót trong cuộc khổ nạn của Chúa Kitô đã chịu vì thân thể Người là Giáo Hội, nhiều khi máu các Kitô hữu còn phải là hạt giống nữa. Nếu thực hiện được như thế người tín hữu có thể đưa tinh thần phục sinh của Đức Kitô đến cho những người chưa tin, không tin hoặc lầm lạc trở về với Hội Thánh của Ngài. Thực vậy, để làm chứng nhân cho Đức Kitô trong một thế giới đầy khó khăn, mọi xu hướng đều quy về vật chất, người tín hữu chúng ta hãy nhìn vào những nguy hiểm, đau khổ của các Thánh tử đạo đã hy sinh mạng sống để làm chứng nhân cho Đức Kitô Phục Sinh. Các Thánh tử đạo là mẫu tượng cho người tín hữu chúng ta. Các ngài là những anh hùng chứng minh lịch sử tình yêu là Đức Giêsu Kitô Phục Sinh đã phục sinh đời sống nhân loại, đem lại hạnh phúc cho mọi người.
Sau cùng Thánh Công Đồng Vatican II xác nhận rằng: "Trong lịch sử loài người, dù là về phương diện trần thế, Phúc Âm đã là men tự do và tiến bộ, là men huynh đệ, hiệp nhất và hòa bình. Vậy không phải là vô lý khi các tín hữu sùng kính Đức Giêsu Kitô Phục Sinh như là Đấng muôn dân trông đợi và là vị cứu tinh của muôn dân" và họ nhiệt thành mang ánh sáng Chúa Kitô Phục Sinh vào trong lòng thế giới hôm nay.
Hồng Tâm Nguyễn Văn Hưởng