Sống Hạnh Phúc – Sống Với Lý Tưởng
Chúng ta, ai trong cuộc sống cũng có nhiều trách nhiệm và mang vào người nhiều vai trò khác nhau. Bản thân tôi cũng thế. Trong xã hội, tôi là một người phụ nữ vừa đi làm, vừa lo cho gia đình. Trong gia đình, tôi là một người mẹ. Đối với cha mẹ sinh thành ra tôi, tôi là một người con. Tại trường đại học, tôi mang các vai trò khác nhau như một giảng sư, một nhà nghiên cứu giáo dục, một người giám đốc điều hành, và là một người đồng nghiệp với các giáo sư khác. Trong cộng đồng, tôi là một thành viên. Đối với rất nhiều kẻ khác, tôi là một người bạn, một cộng sự viên thiện nguyện, hay một kẻ đồng hành cùng chung lý tưởng, hay cũng có lúc, tôi là kẻ đối nghịch của những người không cùng lý tưởng như tôi. Trong mọi trường hợp, vai trò và trách nhiệm, tôi luôn tìm được những bài học từ những người tôi có dịp tiếp xúc. Trong từng vai trò, mỗi người phải mặc vào mình một cách cư xử, lập luận và diễn đạt khác nhau cho phù hợp vào môi trường và trách nhiệm mình đang làm. Có nhiều lúc vì hoàn cảnh, họ không dám mạnh dạn nói lên những suy nghĩ thật sự trong đầu họ. Nhiều khi công việc và trách nhiệm họ đảm nhận không phù hợp với những gì họ tin hoặc muốn làm nhưng vì công ăn việc làm phải chấp nhận.
Chính vì thế, tôi nghĩ những người may mắn nhất là những người mà lời nói và hành động của họ luôn luôn phản ảnh được giá trị nhân bản và lý tưởng sống của họ trong mọi vai trò và hoàn cảnh. Nói một cách khác, những người hạnh phúc là những người dám sống thật với niềm tin và lý tưởng của chính con người họ qua cuộc sống hằng ngày cũng như qua công việc ngành nghề họ làm. Trong một bài báo Anh ngữ tôi đọc sáng nay trong phần giải đáp và hướng dẫn về kinh tế gia đình, có một đọc giả viết thư xin nhờ hướng dẫn. Người viết thư kể là anh ta vừa ra trường luật và đang sắp nhận một chức vụ luật sư cho một cơ quan bất vụ lợi chỉ có số lương khiêm nhượng là $35,000 một năm. Anh quyết định nhận làm việc cho cơ quan này vì cơ quan ấy có đường lối phục vụ quần chúng thích hợp với lý tưởng sống của anh mặc dầu anh có cơ hội tìm những chức vụ với mức lương cao hơn để trang trãi số nợ là $120,000 anh đã phải vay mượn trong sáu năm học luật. Anh viết thư để được hướng dẫn cách thức trả dần số nợ ấy hàng tháng mà vẫn đủ sống trong mức lương cố định kia và người hồi đáp đã vạch cho anh một lối đi rất rõ ràng như sự yêu cầu của anh. Tuy đây là mục tài chánh chứ không phải cột bài nói về xã hội, người giải đáp bày tỏ lòng khâm phục đối với anh luật sư trẻ tuổi dám sống theo lý tưởng và nói rằng anh đã làm một quyết định mà sẽ mang lại hạnh phúc cho anh trong cuộc đời, một hạnh phúc mà số lương gấp hai, gấp ba chưa chắc mang lại được cho anh.
Tôi cũng đồng ý với người viết. Tôi biết có nhiều người bạn tôi, lúc trẻ tuổi, khi còn là sinh viên nghèo đã ấp ủ nhiều lý tưởng cao đẹp, muốn đem khả năng và kiến thức của mình để phục vụ cho đời, cho tha nhân, cho cộng đồng và cho xã hội nhân loại. Đến khi ra trường, việc đầu tiên là phải kiếm một công ăn việc làm vững chắc, nghĩa là phải có nhiều tiền để trang trãi nợ nần vay mượn lúc còn đi học. Sau khi trả hết số nợ tiền học rồi thì phải lo để dành tiền để lo chuyện đám cưới, đám hỏi vì qua đây rồi, đa số phải tự lo chứ không phải như lúc còn ở quê nhà, chuyện cưới hỏi là do cha mẹ lo tổ chức và trang trãi hết. Sau đám cưới rồi thì tới chuyện để dành tiền mua nhà, tạo một tổ ấm, sinh con đẻ cái. Có con rồi thì bao nhiêu chuyện để lo chi phí. Chẳng mấy chốc, những lý tưởng thuở xưa tan biến theo mây, hay chỉ còn được gợi lại trong một giây phút nào đó khi bạn bè cũ gặp nhau hồi tưởng lại chuyện xưa. Những người bạn ấy đôi khi may mắn tìm được các lý tưởng ngày xưa qua các công việc cộng đồng họ tham dự. Cũng có người thành danh, có mức lương rất cao, có đời sống vật chất rất thoải mái nhưng vẫn thấy tinh thần thiếu thốn. Rất ít người, vì trách nhiệm gia đình chống chất, dám thay đổi cuộc sống để đeo đuổi những lý tưởng ngày xưa ấy.
Những lần tâm sự, chia sẻ với bạn bè cho tôi một sự suy luận là khi chúng ta may mắn sống được với lý tưởng của mình, tìm một ngành nghề giúp chúng ta xây dựng và bồi đắp cho lý tưởng ấy, chúng ta tìm được một cuộc sống hạnh phúc bất kể mức vật chất như thế nào. Rút từ kinh nghiệm ấy, chúng tôi đồng ý rằng bây giờ trong vai trò làm cha, làm mẹ, chúng tôi cần có một thái độ cởi mở, giúp cho con cái tìm hiểu giá trị của cuộc sống cao hơn mặt vật chất, tạo cơ hội cho con cái có nhiều dịp sinh hoạt cộng đồng, phục vụ tha nhân qua các sinh hoạt đoàn thể, văn hóa và tôn giáo. Đến khi con cái đến tuổi trưởng thành, cha mẹ khuyến khích con chọn lựa ngành học thích hợp, đừng đặt nặng quá về mặt kinh tế tương lai. Ngay cả khi con cái chọn lựa những ngành về nghệ thuật hay xã hội, đừng tỏ ra thất vọng mà hãy bày tỏ lòng hãnh diện và tin tưởng vào con cái. Trong xã hội hôm nay, ngành gì cũng có thể bảo đảm một đời sống căn bản, nếu con người tìm được hạnh phúc từ chính giá trị con người mình và cảm thấy mình là một người hữu dụng đóng góp vào cho xã hội.
Tôi là một kẻ may mắn vì đã tìm đúng một ngành nghề thích hợp với lý tưởng và khả năng của tôi. Từ thuở bé, tôi đã mến phục các cô giáo thầy giáo của tôi và ước mơ được trở thành như thế. Đến khi hoàn tất chương trình đại học tại Hoa Kỳ, tôi chỉ mới định cư ở Mỹ đúng 5 năm, không đủ trình độ Anh văn thông suốt để vào ngành dạy. Tuy nhiên khi đi làm việc thiện nguyện tại mốt số các trường tiểu học trong vùng, tôi đem lòng cảm mến học sinh và nhận thức được rằng chính những kinh nghiệm bản thân trở ngại trong việc học hỏi, việc hội nhập văn hóa mà tôi đã phải phấn đấu làm cho tôi biết cách dạy học sinh một cách hữu hiệu hơn các vị giáo chức người Mỹ khác. Động lực muốn giúp học sinh thiểu số vượt qua những khó khăn trong thời gian đầu đi học ở Hoa Kỳ đã đưa tôi vào ngành giáo dục. Trong năm đầu tiên đi dạy học, tôi chỉ là một cô gái 21 tuổi thiếu kinh nghiệm. Tuy nhiên vì tôi yêu mến học sinh, yêu nghề giáo và được sự giúp đỡ của nhiều đồng nghiệp, tôi đã gặp nhiều thành công. Có những lúc trên đường lái xe về nhà sau một ngày dạy học, tôi cảm thấy quá đỗi may mắn vì được làm một công việc hết sức thú vị mà còn được trả lương để làm nữa (mặc dầu số lương tôi lúc ấy là chưa tới $15,000 một năm). Trong những năm tháng kế tiếp, vì yêu công việc và muốn tìm đủ mọi cách giúp đỡ cho học sinh của tôi mà tôi trở thành giáo sư huấn luyện cho các giáo chức khác. Qua các khóa huấn luyện, tôi biết tôi giúp được nhiều học sinh hơn.
Cho tới bây giờ, ngay khi những lúc tôi phải gánh nhiều trách nhiệm trong công tác điều hành các chương trình giáo dục, trong việc lo tìm ngân khoản tài chánh chi tiêu cho các dự án, trong các buổi họp phải tường trình và đối đáp với các cơ quan và tổ chức khác, tôi vẫn thấy mình là người may mắn vì tôi ý thức được tất cả các công việc tôi đang làm đi đúng với lý tưởng phụ vụ trong lãnh vực giáo dục của tôi. Có khi tôi làm không ngừng trong mười mấy tiếng đồng hồ. Có khi tôi chỉ có vài ba giờ buổi tối để trò chuyện với gia đình con cái chứ không có thời giờ giải trí nghỉ ngơi cho riêng mình, thế mà tôi vẫn cảm thấy mình là người may mắn và có hạnh phúc. Tôi hạnh phúc vì công việc làm, hành động, lời nói, sự suy nghĩ và tất cả những trách nhiệm tôi đang có điều phù hợp với nhân bản và lý tưởng sống của tôi.
Nguyễn Lâm Kim Oanh