Phóng sự chuyến đi của Gia Đình Bác Ái Phaolô
“PHỤC VỤ NGƯỜI TÚNG THIẾU TẠI VIỆT NAM”
Trong Thư Thánh Phaolô gởi tín hữu Corintô viết rằng: “Trong hoàn cảnh hiện tại, anh em có được dư giả là để giúp đỡ những người đang lâm cảnh túng thiếu”, cảm nghiệm lời nói của Thánh Phaolô, một số anh em trong Gia Đình Bác Ái Phaolô đại diện cho hơn 500 thành viên của gia đình lên đường thực hiện chuyến đi Việt Nam để phục vu những anh em túng thiếu.
Trong chuyến đi này trước hết Gia Đình Bác Ái Phaolô cùng cảm tạ Thiên Chúa đã ban cho những tấm lòng vàng cùng nhau đóng góp kẻ ít người nhiều trong năm 2006, với tấm lòng quảng đại không nhỏ ấy đã tạo nên chuyến đi mang tình thương đến cho những anh em cần giúp đỡ tại Việt Nam.
Thực vậy Thánh Phaolô nói: “Anh em hãy tỏ ra cho người ta thấy đức ái của anh em”, nhưng nếu chúng ta cứ nằm ở nhà rồi nói đến bác ái, khi không nhìn thấy cảnh thật, người thật ít là một lần thì e rằng lời nói đó chỉ là lời phỏng đoán như Thánh Phaolô nói: “Điều mắt chẳng hề thấy, tai chẳng hề nghe, lòng người không hề nghĩ tới” thì đó chỉ là lời nói theo tính xác thịt mà thôi và theo thư thứ 1-18 Thánh Gioan tông đồ nói rằng: “Chúng ta đừng yêu thương nơi đầu môi chót lưỡi, nhưng phải yêu thương cách chân thật và bằng việc làm”.
Căn cứ vào những điều này, Ban Phục Vụ đã sắp xếp chuyến đi để thực hiện Ý Thiên Chúa như Thánh Gioan nói: “Để chúng ta đứng về phía sự thật”, và chương trình được khởi hành ngày 15 tháng 11 năm 2006 đến Sài Gòn ngày 17 tháng 11 được Cha Nguyễn Đức Hòa và một số anh chị em gia đình Phaolô tại Việt Nam đón tiếp tại phi trường Tân Sơn Nhất và được mời đi ăn phở trước khi về phòng ngủ. Ngay chiều hôm đó chúng tôi đi thăm cha già Đa Minh Nguyễn Văn Hộ, người sáng lập gia đình Phaolô Việt Nam 30 năm trước, Ngài già yếu về hưu và sống tại nhà hưu Đa Minh tại Hố Nai – Biên Hòa.
Ngày hôm sau 18-11-2006, chúng tôi thực hiện ngay chuyến viếng thăm, trước hết thăm các Sơ viện dưỡng lão Lộ Đức tại Thủ Đức đang chăm sóc nuôi nấng cho hơn 100 các cụ già yếu, neo đơn, con cái quá nghèo nên đã để các cụ lang thang ngoài đường phố, có cụ quê quán từ miền Bắc, con cháu các cụ nghe nói trong miền Nam có các Sơ ở Thủ Đức nuôi nấng các cụ già, bởi thế họ đã mang các cụ vào giao cho các Sơ xong rồi “biến mất”, có cụ ba bốn năm cũng không thấy mặt con cháu nữa. Tại viện nuôi người già này, các Sơ chăm sóc nuôi nấng chu đáo, nơi ăn chốn ở sạch sẽ, gọn gàng.Tại đây có một chuyện vui vui: có một cụ già trên 90 tuổi hỏi tôi: “Ông ở đâu đến đây ?”. Tôi trả lời: “Thưa cụ tôi ở Mỹ về đến thăm các cụ đây’. Cụ nói rất chân thành và chất phác: “Ông ở Mỹ à, bên đó tôi chẳng biết “thằng chó” nào cả”. Chúng tôi cùng cười vui và cám ơn cụ rất mộc mạc nói lên điều mình không biết thì nói không biết.
Ngày kế tiếp chúng tôi đến thăm các Cha già tại nhà hưu dưỡng “Chí Hòa”. Tại đây có hơn 30 Cha nhưng không phải riêng Tổng Giáo Phận Sài Gòn mà có một vài Cha của các Giáo Phận khác về đây hưu dưỡng, hơn nữa không phải chỉ có các Cha Già mà có một vài Cha còn trẻ, khoảng 50 tuổi, nhưng bị tê bại cũng về đây hưu dưỡng.
Có một điều nếu chúng ta tận mắt nhìn thấy các Cha nằm bất tỉnh trên giường đã 5 -6 năm, có Cha đã 7 -8 năm, chúng ta không thể cầm lòng mà không lộ ra một dấu hiệu vô cùng kính trọng và mến thương một người đã hy sinh cả cuộc đời trần gian này, dâng hiến trọn vẹn thân xác cho công việc loan báo Tin Mừng Cứu Độ cho mọi người, ngoài ra các Ngài tận tụy phục vụ tha nhân đến hơi cùng xác tận và... cho đến ngày nay phải nằm bất động trên giường bệnh hoặc mất đi năng lực hoạt động của sự sống thân xác này.
Thực vậy, khi nhìn thấy tình trạng của quý Cha, lòng tôi se lại nghĩ đến thân phận đơn côi khi về già hoặc lâm bệnh nan y, không một người thân bên cạnh... tôi lầm lũi bước sang phòng khác, cũng tình trạng ấy lại một Cha khác nằm im lìm, mắt nhắm lại, tôi hỏi một người nghe nói là bà con của Cha, ngồi trông coi Cha cho biết: Bề ngoài Cha không cử động được, nhưng thỉnh thoảng Cha vẫn nhận ra tiếng nói của người thân. Tôi thầm nghĩ: không biết Cha có còn nhớ được lời Thánh Phaolô nói với Hội Thánh Ephêsô: “Anh em hãy ân cần lo cho chính mình và toàn thể đoàn chiên mà Thánh Thần đã đặt anh em làm người coi sóc. Hãy chăn dắt Hội Thánh của Thiên Chúa, Hội Thánh Người đã mua bằng máu của chính mình”. Giờ đây quý Cha không còn săn sóc cho chính mình nữa và sự nằm bất động của quý Cha đã mua bằng tất cả khả năng dâng hiến.... Thật đáng kính trọng và đáng mến thay !!!!
Sau khi viếng thăm các Cha hưu dưỡng, chúng tôi sang thăm các Sơ coi sóc nhà tình thương Thánh Tâm bên cạnh nhà thờ Chí Hòa, thường gọi là nhà Betania. Tại đây các Sơ đang nuôi các em gái vị thành niên lỡ lầm. Các em định phá thai, nhưng được các Sơ khuyên bảo các em hãy giữ con cái lại, không nên dại dột làm những việc tàn ác giết con của mình. Một số em nghe lời khuyên của các Sơ và được các Sơ cưu mang đem về nuôi nấng cho đến khi sinh con. Các Sơ nuôi cả mẹ lẫn con. Mẹ thì các Sơ dạy nghề như may vá, làm tóc, làm móng tay v.v... Sau khi sinh nở xong đã cứng cáp rồi, tùy ý muốn ở lại với các Sơ và trông con của mình hay về nhà. Các Sơ khuyên không nên đi lang thang nữa lại vấp phải lỗi lầm. Đa số các em ở lại học nghề và nuôi con của mình. Tại đây các Sơ đang nuôi khoảng 20 em đang mang thai và khoảng 50 -60 cháu nhỏ từ mấy ngày đến 1 – 2 tuổi. Thật là một gánh nặng cho các Sơ.Có một câu hỏi đầu tiên với các Sơ rằng: Tiền đâu để các Sơ cưu mang các em nhiều như vậy. Các Sơ trả lời: Khi xưa Chúa ban bánh Man Na trên sa mạc cho dân Do Thái thì ngày hôm nay Chúa cũng làm như thế qua tay các ân nhân, kẻ ít người nhiều, đắp đỗi rồi cũng xong ông ạ. Việc Chúa làm mà, đâu phải các Sơ làm mà lo chi cho mệt. !!!!
Sau đó chúng tôi đến thăm Mái Ấm Nhật Hồng ở Thị Nghè do sơ Dòng Mến Thánh Giá coi sóc các em khiếm thị. Trên đường vào nhà quanh co của một ngõ hẻm nghèo nàn, chỉ một người đi lọt, tôi sực nhớ một câu Kinh Thánh Chúa dạy rằng: “Đường vào Thiên Đàng là đường hẹp”, vậy bà Sơ Nhật Hồng này đang đi trên đường vào Thiên Đàng.Thật vậy, vào đến nhà, cảnh nghèo nàn của một căn gác gỗ nuôi khoảng 3 – 4 chục em khiếm thị tuổi từ 8-9 tuổi đến em lớn nhất là 16 tuổi.Có một câu hỏi với Sơ Nhật Hồng: “Lý do nào sơ nuôi các em và tại sao lại ở trong một ngõ hẻm chật hẹp như thế này?”. Sơ trả lời: “Một hôm đi ngoài đường phố thấy các em khiếm thị đi lang thang bán vé số và đi ăn xin, sơ không cầm lòng được mới nảy sinh ra tư tưởng đưa các em về nuôi, nhưng việc đầu tiên là phải có nhà cho chúng ở, sau đó phải tìm lương thực nuôi chúng, chẳng lẽ lại bắt chúng đi bán vé số và ăn xin thì có khác chi tình trạng của chúng trước đây. Nhưng tất cả mọi việc Chúa làm, Sơ đi kiếm nhà, bất chợt trong hẻm này có một nhà bán, vừa túi tiền. Sơ quyết định mua và sửa sang đôi chút, nhận một số em về nuôi và gởi chúng vào trường Khiếm Thị để học, đến nay em 16 tuổi đã học đến chương trình lớp 9. Tất cả các em ở đây đều được gởi đi học trường khiếm thị, khi về nhà thì học đàn, hát cho các em vui. Còn ăn uống thì Chúa nuôi qua bàn tay các ân nhân.
Khi từ giã Sơ và các em thì một em 14 tuổi ăn nói chững chạc, cám ơn chúng tôi. Em nói: “Chúng con cám ơn các chú các bác từ Mỹ về đến thăm chúng con, chúng con có cảm tưởng rằng, các chú các bác đang đưa chúng con qua Mỹ, bởi vì tình thương các chú bác từ Mỹ về không khác gì đang đưa chúng con qua Mỹ vậy. Thật nửa vòng trái đất mà bây giờ các chú bác và chúng con đang đứng bên nhau, thật vui và thật đầm ấm”. Nhìn các em nhỏ suốt đời sống trong bóng tối, nhưng tâm hồn các em đã được soi dọi bằng “Ánh Sáng” của Niềm Tin mà Sơ “Nhật Hồng” đã mang đến cho các em.
Bước qua ngày hôm sau, chúng tôi lên đường trực chỉ Miền Tây, trạm đầu tiên chúng tôi đến thăm Cha Thành Công là một xứ đạo nằm trong thành phố Cần Thơ. Tuy Cha coi xứ trong một thành thị lớn, nhưng Ngài lại có một xứ đạo “lưu động” nữa. Điều này không ai hiểu nổi, nếu không tận mắt nhìn thấy công trình điều hành một xứ đạo “lưu động” rất nhiêu khê và phải vô cùng tinh tế bởi vì xứ đạo “lưu động” này là những con chiên mới gia nhập đạo hoặc đang học đạo, cho nên hoàn toàn “tân tòng”. Lại nữa, những con chiên này sống rải rác trong cảnh vùng lầy xứ quê của tỉnh Cần Thơ có đến hơn 200 sông rạch lớn nhỏ trên một diện tích 20 -30 cây số vuông, cho nên Cha Thành Công phải tạo nên một đội ngũ giáo lý viên có khả năng và đòi hỏi một tinh thần dấn thân phục vụ hăng say không mỏi mệt.
Cứ mỗi Chúa Nhật khoảng hơn 700 người tân tòng và hơn 100 người đang học giáo lý sẽ được rửa tội trong lễ Giáng Sinh và Phục Sinh năm này về dự Thánh Lễ và học Giáo Lý tại nhà xứ của Cha. Có người phải đi từ 2 – 3 giờ đêm đề về nhà xứ cho kịp dự Thánh Lễ vào 9 giờ sáng. Tình trạng nhiêu khê và phức tạp vì họ là những người quá túng thiếu cho nên Cha xứ phải nuôi họ ăn uống trong ngày Chúa Nhật lại phải có quà cáp cho họ mang về nữa. Bởi thế đây là một gánh nặng, ấy thế mà Cha Thành Công khéo xoay sở từ tháng này qua tháng nọ và cung cách điều hành rất khoa học làm cho những học viên rất thích thú để học tập.
Có một câu hỏi với Cha Thành Công rằng: “Nếu nhiêu khê phức tạp như thế sao Cha không tập trung họ trong vùng họ sống cho đỡ tốn kém?”. Cha vui vẻ và hóm hỉnh cho biết: “Đấy mới chính là lý do một “xứ đạo lưu động” chứ!”. Cha nói thêm: “Thỉnh thoảng tôi cũng làm lễ “lưu động” không nhà Thờ mà những ngày này thì đội ngũ Giáo Lý viên vô cùng vất vả không phải lo cho Thánh Lễ và tổ chức các lớp giáo lý mà thôi, nhưng là lo vận chuyển những thực phẩm ăn uống trong ngày mà còn nhiều tặng phẩm cho hơn 700 người ăn và quà cho họ. Đấy mới là nhiêu khê.... phải không? Nhưng mọi sự là Chúa lo liệu”. Cha Thành Công đã thành công. Xin kính phục !!!!
Ngày hôm sau chúng tôi trở về và trực chỉ Miền Trung.Trên đường đi chúng tôi ghé Đức Mẹ Tà Pao khoảng giữa đường Long Khánh - Bình Tuy trên quốc lộ 1 đi sâu vào khoảng 60 cây số trong một vùng núi. Đường mòn lên núi chỗ tượng Đức Mẹ rất khó khăn. Hiện nay rất ít người hành hương. Tuy nhiên dưới cánh đồng nằm bên bờ một con sông nhỏ và dưới chân núi đã đặt viên đá đầu tiên để xây nhà thờ, nhưng chưa biết lúc nào mới bắt đầu xây cất.
Viếng Đức Mẹ xong chúng tôi lên đường tới Cam Ranh thì trời vừa tối được gia đình của chị Nguyệt là một thành viên trong nhóm phục vụ đón tiếp nồng hậu có nơi ăn chốn nghỉ qua một đêm (Xin chân thành cám ơn bà Cụ, anh chị Cầu và gia đình cho ăn uống ngon, lạ và nghỉ ngơi). Sáng hôm sau, chúng tôi đến thăm nhà Tình Thương Phú Nhơn, Cam Đông, Cam Tây thuộc thị xã Cam Ranh do Dòng Mến Thánh Giá Nha Trang đang nuôi dưỡng khoảng 40 em mồ côi và các Sơ cũng tập họp lại khoảng gần 100 người, đa số là người dân tộc (người Thượng) nghèo đói và bệnh hoạn, phong cùi. Chúng tôi gặp họ, an ủi và tặng quà.Họ rất cảm động và cho biết từ trước tới nay họ đã nhận quà một vài lần, nhưng chưa bao giờ họ nhận được món quà nhiều và cần thiết cho đời sống của họ ít là vài ba tháng như dầu ăn, gạo, muối, đường, bột ngọt, mì ăn liền và 100 ngàn tiền mặt Việt Nam nữa.
Đến xế chiều chúng tôi đến thăm một nhà xứ tại Cam Ranh do cha Gioan Baotixita Nguyễn Kỳ dòng Phanxicô coi sóc và được Cha cho biết ngoài việc chăm sóc phần hồn cho giáo dân trong xứ, các Cha còn phải chăm sóc phần xác cho một số giáo dân miền Thượng tại Suối Hi, Diên Khánh cách Cam Ranh 30 -40 cây số trong vùng núi. Nơi đây, theo Cha cho biết người dân tộc quá nghèo đói, nhà cửa không có, họ phải sống trong các túp lều bằng lá cây hay các miếng nylông cũ nát. Bởi đó các Cha phải đi xin các ân nhân yểm trợ xây dựng cho mỗi gia đình một căn nhà nhỏ để trú mưa nằng qua ngày. Tại đây Gia Đình Bác Ái Phaolô cũng đóng góp vào quỹ xây dựng nhà cho người dân tộc của Cha Kỳ dòng Phanxicô.
Sau đó chúng tôi đến NhaTrang nghỉ một đêm. Sáng hôm sau lên đường đi Đà Nẵng vào thăm các Sơ dòng Saint Paul nuôi khoảng hơn 100 em tàn tật, mồ côi. Tại đây các Sơ tổ chức dạy các em học hành chu đáo, ăn ở sạch sẽ và chăm sóc rất cẩn thận. Sau đó các Sơ hướng dẫn đoàn chúng tôi sang thăm cơ sở nuôi các bà cụ già neo đơn, con cái bỏ bê, khoảng hơn 30 cụ già, các cụ cũng được chăm sóc rất chu đáo. Tôi hỏi các cụ có muốn về sống với con cháu tại quê quán không? Các cụ trả lời: “Nhà chúng tôi ở đây mà, không phải đi đâu hết, chúng tôi có các “Mệ” (là các Sơ) nuôi ăn khỏi lo đói, lo lạnh chi cả!”. Thực ra các Sơ Saint Paul đã nổi tiếng về giáo dục và xã hội từ lâu đời rồi, không một người Việt Nam nào khi biết về các Sơ mà không tỏ dấu kính phục... Đến trưa phái đoàn tiếp xúc với cha Bá Năng Lý, người dân tộc 100/100 tại giáo phận Kontum. Ngài đang phụ trách 5 -6 bản người dân tộc số giáo dân trên 20 ngàn người rất nghèo. Phái đoàn đóng góp vào ngân quỹ nhà xứ để cha sử dụng trong việc truyền giáo của Ngài tại miền Kontum.Tại đây các Sơ Saint Paul khoản đãi phái đoàn chúng tôi bữa cơm trưa thịnh soạn, có nước ngọt, nước lạnh và cả bia nữa. Khi ăn tôi nghĩ rằng cứ tự nhiên như Chúa dạy các tông đồ rằng: “Vào nhà nào họ cho ăn gì cứ ăn”, vì người làm công đáng được cho ăn mà !!!!
Đến xế chiều lên đường đi xứ Huế trời vừa tối, chúng tôi nghỉ qua một đêm, sáng hôm sau đến thẳng giáo xứ của Cha Thứ (Xin vài nét về Cha Thứ: được biết Cha ngoài 50 dáng người thanh thanh nên trông khoảng ngoài 40, tính rất vui, hòa đồng, thích hoạt động xã hội, bác ái. Ngoài việc coi xứ, làm việc bác ái, Ngài còn là một giáo sư Đại Chủng Viện Huế nữa). Ngài nói: “Số tôi lận đận lắm, già rồi mời được phong chức. Trong thời gian chờ đợi tôi đã phải đi đạp xích lô để lấy tiền đi học thêm, nhưng tất cả là Ý Chúa!”. Tiện trước sân nhà thờ có một chiếc xích lô, chúng tôi yêu cầu cha đạp biểu diễn rất là “chuyên nghiệp”.
Việc tổ chức bác ái của cha cũng có vẻ “chuyên nghiệp”. Chúng tôi được cha cho biết hiện nay cha đang giúp đỡ cho 2 trai thần kinh và bệnh Aid. Chúng tôi xin Cha tổ chức cho việc viếng thăm 2 trại này. Nhờ vào việc điều hành khoa học và một đội ngũ xã hội hăng say chỉ trong vòng 3 -4 giờ đồng hồ là Cha lo xong các tặng phẩm cho 2 – 3 trăm người bệnh thần kinh và bệnh Aid gồm có: áo thung có cổ in chữ trước ngực “Gia Đình Bác Ái Phaolô thân tặng”, mì ăn liền, khăn mặt, xà bông thơm, kem và bàn chải đánh răng, thật là chu đáo. Sau khi dùng cơm trưa do cha khoản đãi, chúng tôi cùng với Cha và đội ngũ xã hội của nhà xứ chuyên chở tặng phẩm đến 2 trại, phân phối đến tận tay mỗi người cho đến xế chiều mới xong, và trở về nhà xứ được Cha khoản đãi một bữa cơm nữa vô cùng thịnh soạn. Cha con chúng tôi chuyện vãn vui vẻ đến khuya chúng tôi mới từ giã để về nhà trọ nghỉ ngơi.
Sáng hôm sau chúng tôi trở lại nhà xứ và ghé thăm cơ sở chăm sóc các trẻ mồ côi, tàn tật do Sơ Bình Dòng Mến Thánh Giá Huế phụ trách bên cạnh nhà xứ. Gia đình Bác Ái Phaolô tặng Sơ chút quà để tăng thêm vào phần ăn cho các em, sau đó về văn phòng nhà xứ nghe cha chánh xứ trình bày những công tác xã hội đang thực hiện cần nhiều lòng quảng đại trợ giúp của nhiều người. Sau khi nghe cha trình bày, cha đưa chúng tôi vào thăm Đại Chủng Viện Huế và được gặp cha Giám đốc Đại Chủng Viện. Ngài rất vui vẻ đón tiếp và giới thiệu chúng tôi những chương trình sinh hoạt của Đại Chủng Viện, sau đó chúng tôi chào quý cha, chia tay lên đường đi Quảng Trị.
Trên đường đến Quảng Trị, tôi nhớ quãng đường Huế - Quảng Trị đã được mang tên trong lịch sử Việt Nam “Mùa hè đỏ lửa”. Tôi không được may mắn chứng kiến tình trạng kinh hoàng này, nhưng đọc trên báo chí và nghe kể lại thì quãng đướng này đã chôn vùi bao nhiêu người vô tội, đến nay anh linh những người nằm xuống còn lẩn khuất đâu đây, khóc than, hay trách móc những người vô tâm đã vùi dập họ trên quãng đường đi tìm tự do trong cái chết đau thương, và hiện nay họ còn chứng kiến những đau khổ triền miên của người còn sống không được mang thân phận là con người thực của mình, mà chỉ là những công cụ cho những bàn tay cường quyền sử dụng lừa bịp và tham nhũng.
Tôi không làm chính trị nên tôi không nhìn những cảnh sống của con người Việt Nam hôm nay dưới con mắt chính trị. Tôi nhìn con người Việt Nam với con mắt và tâm hồn “Tình Chúa và Tình người, trong yêu thương, trong tha thứ và bác ái” như trong lời ca của một bài hát: “đâu có tình yêu thương ở đó có Đức Chúa Trời”. Với tâm tình ấy, Gia Đình Bác Ái Phaolô có mặt tại Quảng Trị để đóng góp phần nhỏ bé vào việc xoa dịu những vết thương tinh thần cũng như thân xác của họ đã nối tiếp hứng chịu những dằn vặt trong sự nghèo túng và chúng tôi cầu nguyện cho họ xóa bỏ đi những hận thù trong lòng để đi tìm lấy tình thương và lòng bác ái, quảng đại và tha thứ.... !!!
Qua thị xã Quảng Trị, chúng tôi đi thẳng đến Cam Lộ – Đông Hà. Tại đây, qua chương trình đã nhờ chị Ái sắp xếp trước và tất cả những tặng phẩm đã mua sắm như mì ăn liền, đường, bột ngọt và một phong bì 100 ngàn Việt Nam đầy đủ cho chúng tôi lên đường đến thẳng một cơ sở săn sóc những người khiếm thị tại Triệu Phong –Quảng Trị do Sơ Hiền thuộc dòng Mến Thánh Giá Huế phụ trách. Tại đây cũng có khoảõng 6 -7 chục người già có, trẻ có, đàn ông có, đàn bà có được điều hành bởi một người cũng khiếm thị và một người phụ tá còn nhìn thấy giúp anh trưởng ban về sổ sách. Được biết rằng việc sinh sống của những người khiếm thị này hoàn toàn tự lực cánh sinh bằng sức lao động của họ bằng cách làm những cái chổi bằng bông sậy và cung cấp cho các hợp tác xã lớn để bán trên toàn quốc hoặc xuất khẩu. Nhưng việc đi tìm kiếm vật liệu bông sậy cũng rất khó khăn. Có một Sơ dòng Mến Thánh Giá Huế giúp đỡ, Sơ phải lên tận miền núi gần Khe Sanh hay Lao Bảo giáp Hạ Lào để mua bông sậy của những người dân tộc, lấy từ trong rừng về. Sơ kể lại rằng: Sơ phải lên tận nơi chỉ cho người dân tộc đi kiếm bông sậy, đưa về phơi khô, lọc ra từng loại dài, ngắn để riêng rồi Sơ mua và thuê xe vận tải chở về cho cơ sở khiếm thị này sản xuất ; đến đây Sơ lại phải chia thành từng khâu sản xuất nối kết thành dây chuyền. Trước hết là việc chia thành các bó nhỏ, buộc lại cho chắc rồi chuyển qua các khâu buộc lại thành cái chổi, khâu thành phẩm là buộc bằng sợi mây hay dây kẽm, sau cùng chuyển vào kho sắp xếp theo phiếu đặt hàng của các hợp tác xã. Tất cả đều là những người khiếm thị làm ngoại trừ hồ sơ văn phòng kế toán do một hội viên còn sáng mắt phụ trách, Sơ chỉ giúp công việc điều hành sản xuất mà thôi và coi sổ sách lại chứng kiến khi kết toán và chia lời cho các hội viên.
Tuy thế lợi tức họ kiếm được rất là nhỏ, họ sống trong gia đình thiếu thốn và đói khổ, các Sơ mong được các ân nhân rộng tay giúp đỡ cho những người bất hạnh này. Gia Đình Bác Ái Phaolô chúng ta đến với họ chỉ là những hạt cát trong sa mạc, không thấm thía gì cả, tuy có mang lại cho họ một niềm an ủi là những người phương xa như chúng ta vẫn còn nhớ đến họ, đến thăm họ và có chút quà vật chất cho họ để khích lệ tinh thần cho cuộc sống trong đêm tối không biết ngày hay đêm kéo dài trong cả đời người này.
Sau khi phân phối xong, chúng tôi đến thăm một xóm nghèo cách thị xã Đông Hà khoảng 10-15 cây số. Nơi đây đồng ruộng khô cằn, “đúng là cày lên sỏi đá”, đây cũng là xóm nghèo của vùng núi cằn cỗi, người dân lam lũ không đủ sống. Chúng tôi ghé thăm, an ủi và tặng số quà cho một số gia đình nghèo nhất xóm như mì ăn liền, bột ngọt, gạo và một phong bì 100 ngàn tiền Việt Nam.
Đến quá trưa đoàn phục vụ chúng tôi lên đường đi thăm các bản Thượng tại Cam Tuyền, Cam Lộ, Phước Tuyền, Đắc Nông, Talen, bản Bá Năng, , Cù Pố, KờRông, KờCang, Khe Sanh và giáp Lao Bảo, Hạ Lào.
Nơi đây chúng tôi phải đi một khoảng đường khá dài trên 100 cây số để phân phối tặng phẩm cho những người dân tộc quá nghèo khổ, rách rưới. Có người đã phải đi từ 2 – 3 giờ sáng đến điểm hẹn gặp gỡ chúng tôi vào lúc 3 giờ chiều, chịu đói, khát rất tội nghiệp, tuy món quà chúng tôi nhỏ bé gồm có 10 kilo gạo, 5 lít dầu ăn, 2 kí muối, 1 kí bột ngọt 1 kí đường, 1 cái mền, 1 thùng đựng nước bằng nhựa, 1 gáo múc nước và một chút đồ ăn tại chỗ, thế mà họ vui mừng vô cùng. Khi trở về tôi cứ mãi suy nghĩ rằng không biết những người Thượng nghèo đói này họ có hận thù sự nghèo đói của họ hay hận thù người làm cho họ nghèo đói hay không? Câu trả lời cho tôi theo Tin Mừng Thánh Mathieu 5:44 nói rằng: “Thầy bảo anh em: hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi anh em... và nếu anh em chỉ yêu thương kẻ yêu thương mình thì anh em nào có công chi”, và tôi cầu nguyện cho những kẻ bạc đãi những người nghèo này....
Đến tối chúng tôi trở về nhà thờ Cam Tuyền được Sơ Dòng Mến Thánh Giá Huế phụ trách tại đây khoản đãi một bữa ăn thịnh soạn, đến 10 giờ tối chúng tôi trở về Lavang – Quảng Trị viếng Đức Mẹ LaVang và nghỉ đêm tại đây.
Sáng sớm hôm sau chúng tôi lên đường trở về Sài Gòn, chấm dứt chuyến thăm Miền Trung Việt Nam.Tôi nhớ một câu hò Huế hay câu hát nào đó:
Quê tôi nghèo lắm ai ơi,
Mùa đông thiếu áo, mùa hè thiếu ăn.
Thật là nghèo.... thật là khổ....cũng một kiếp người.....
Nào đã xong tội đâu.... về đến Sài gòn vừa tối, nghỉ qua một đêm thoải mái bù lại chuyến đi kéo dài gần 20 ngày trên một khoảng đường dài hơn 1000 cây số đến với những người anh em đáng thương và chúng tôi cất tiếng hát trong bài hát “Hòa Bình” rằng “đâu có tình bác ái thì Chúa chúc lành không ngơi...”
Sáng hôm sau chị Nguyện, Trưởng Ban Phục Vụ đánh thức mọi người dậy, còn một vài chỗ đi nốt cho xong, rồi mạnh ai đi đường người ấy chúng tôi lại lên đường đi Củ Chi – Bình Dương thăm hai cơ sở nuôi các em mồ côi, tàn tật và bệnh Aid do Sơ dòng Đức Bà Truyền Giáo trông coi. Một cơ sở nuôi các em tàn tật, nhiều em bị mất trí lại còn bại liệt ngay từ khi sinh ra. Có em thường nổi cơn điên tự đánh đập, cào cấu mình nát bấy, các Sơ phải buộc tay các em lại cho khỏi tự đánh đập mình, trông vô cùng xúc động....
Một câu hỏi với các Sơ rằng: “Đây có phải là do ảnh hưởng thuốc màu “Da Cam” trong thời chiến tranh hay không?”. Các Sơ nói: “Điều này chúng tôi không biết rõ, bởi vì các em ở đây cũng đã được thử máu, nhưng không thấy xác nhận triệu chứng do thuốc màu Da Cam. Tuy nhiên theo chúng tôi biết thì đa số các em mới sinh ra đã bị chứng liệt não hay bại liệt chân tay vì mẹ của các em là những cô gái lỡ lầm, khi mang thai đã nịt quá chặt, các thai nhi không đủ dưỡng khí để thở, và không đủ sức sống để phát triển nên phát sinh bệnh liệt não và liệt chân tay, cơ thể”.
Chúng tôi không phải là các bác sĩ và các nhà khoa học, khi nghe chỉ là nghe và ghi lại những gì mắt thấy tai nghe mà thôi. Việc này xin các bác sĩ phụ sản khoa cho ý kiến.
Một cơ sở khác nuôi người bị bệnh Aid và các con cái của họ bị đi truyền bệnh Aid của cha mẹ chúng. Tại đây có khoảng 30 em nhỏ 3 – 4 hay 5 -6 tuổi. Các em được các Sơ săn sóc ăn uống, quần áo sạch sẽ, các em được dạy học, ca hát, có em nhỏ khoảng 3 tuổi ca rất hay đã hát tặng chúng tôi bài “Tình Mẹ bao la như biển thái bình” rất cảm động và cảm phục các Sơ đã tận tâm săn sóc. Một số người lớn đã đến thời kỳ thứ ba nằm liệt giường chờ ngày giã từ “trần thế”, tuy thế vẫn được các Sơ tận tình săn sóc.
Sau cùng các Sơ dẫn phái đoàn đến một khoảng vườn, nơi đây để những hũ tro của những người bệnh Aid đã ra đi, các Sơ thiêu và mang về để trong cơ sở này. Một em bé 3 tuổi chỉ hình mẹ của em được gắn vào hũ tro.... rất cảm động và thương cho em tuổi còn nhỏ đã mắc phải chứng “nan y” này.
Chúng tôi trở về Sài Gòn vào đúng giờ “Ngọ”, giờ nhiều người Việt Nam còn giữ thói quen làm “một giấc ngủ trưa”, nhưng chúng tôi đi tìm kiếm chút gì cho “con nghé nó đang kêu trong bụng” rồi sau đó “tan hàng - cố gắng” cho đến ngày 11 tháng 12 chúng tôi gặp lại nhau tại phi trường Tân Sơn Nhất chia tay với Sàigòn – Việt Nam, hẹn lại sang năm nhé.
Good bye. See you again.
Hồng Tâm Nguyễn Văn Hưởng